Chúng ta không mấy dễ dàng tiếp nhận đóng góp phê phán của những người không thân thiết bởi chúng ta tin rằng họ không hiểu rõ nên đánh giá chúng ta chưa đúng. 

Tuy nhiên, những lời phê bình từ bạn bè và gia đình lại khắc sâu vào tâm trí chúng ta hơn. Do đó hãy cố gắng tránh việc liên tục “chỉnh” bạn bè và người thân. Hãy yêu họ vì chính con người họ. Nếu phải phê phán một điều gì đó, hãy góp ý trên tinh thần xây dựng. Và hãy nhớ để sự phê bình của bạn phản ánh sự quan tâm của bạn dành cho họ, chứ không phải chỉ để thể hiện nỗi thất vọng của bạn. 

“Sao mà vô tâm và ngu ngốc quá!”, mẹ của Carol nói với con gái mình như thế khi Carol giải thích rằng cô đã làm mất một tập tin quan trọng trong máy tính của công ty và điều đó khiến cho ông chủ nổi giận. Vô tâm và ngu ngốc! Vâng, những lời do chính miệng mẹ cô nói ra đã in sâu vào tâm trí Carol. Việc làm ông chủ thất vọng khiến cô buồn, nhưng chính việc mẹ mắng cô là ngu ngốc mới làm cô tổn thương hơn. 

“Ngu ngốc” là một từ phổ biến, với nhiều ý nghĩa khác nhau, từ “thiếu thận trọng” đến “dốt nát”. Có lẽ mẹ Carol chỉ có ý nói là cô thiếu thận trọng, nhưng Carol lại thấy buồn khủng khiếp khi chính mẹ lại nói với mình những lời như thế. Chính vì thế, đối với những người càng thân thì càng cần phải lựa chọn từ ngữ cho thật nhẹ nhàng, thích hợp. 

Bạn nên nhớ lời nói có thể làm sống dậy hay giết chết tinh thần của một con người. Sự hung hăng không suy nghĩ và khuynh hướng luôn phóng đại lỗi lầm của người khác làm giảm đi rất nhiều sự hài lòng trong giao tiếp và làm giảm niềm tin của người khác vào chính mình rất nhiều. 

-Chand