Tất cả chúng ta sinh ra đều là những người Thiên Chúa giáo cả, có phải không nhỉ? Nghĩa là đều còn trong cõi mờ mịt không tín ngưỡng, cho tới khi một nhân vật nào đó dẫn dắt chúng ta đến với Thượng đế. Sau cuộc gặp gỡ đó, phần lớn chúng ta không còn thắc mắc về Thượng đế nữa. Nếu có thay đổi, thì thường xảy ra với những người ít thắc mắc về chuyện đó mà thôi. Cuốn theo dòng đời, càng ít nghĩ càng dễ quên mất Thượng đế. Nhưng tôi không rơi vào trường hợp này. Nhân vật đưa tôi đến với thượng đế lần đầu tiên trong đời là người chị em của mẹ tôi, người đã mang tôi đến một ngôi đền khi tôi còn bé tí. Bác Rohini rất sung sướng được gặp gỡ đứa cháu mới ra đời và bác nghĩ rằng Đức Thánh mẫu cũng phải đựơc chia sẻ nỗi sung sướng ấy. “Sẽ là chuyến du hành tượng trưng đầu tiên của nó,” bác nói. Quả thật vậy! Chúng tôi lúc ấy đang ở vùng Madurai. Chuyến xe lửa kéo dài bảy tiếng đồng hồ đầu tiên trong đời tôi. Có xá gì. Đó là nghi lễ vào đời theo tín ngưỡng Hinđu của tôi. Mẹ bế tôi trên tay. Bác Rohini dìu mẹ đi. Kí ức tôi không thể ghi nhớ rõ chuyến đi vòng quanh trong ngôi đền đó, nhưng một chút hương nhang, một vài tia sáng và bóng tối, một vài ánh lửa, những vệt màu vụt lóe lên, một cái gì đó thâm trầm và bí ẩn của ngôi đền chắn đã đọng lại trong tôi. Một hạt giống của niềm hoan lạc tín ngưỡng, chưa bằng một hạt cải, đã được gieo vào và nẩy mầm trong tôi. Nó đã không ngừng lớn lên từ ngày ấy.

Tôi là một tín đồ Hinđu bởi những thỏi nhang hình côn nặn bằng bột kumkum màu đỏ và những giỏ trầm vàng, bởi những vòng hoa kết và những mẩu cùi dừa, bởi tiếng chuông ngân dài dọn bước chân người đến với Thượng đế, bởi những âm thanh khắc khoải của cây sáo sậy nadaswaram và tiếng trống đổ dồn, bởi tiếng chân trần bước trên sàn đá những hành lang tối có những tia sáng mặt trời xuyên nghiêng huyền ảo, bởi hương thơm của nhang, bởi lưỡi lửa của các cây đèn arati chập chờn trong bóng tối, bởi những khúc ca bhajan cất lên ngọt ngào làm vậy, bởi bầy voi đứng chầu quanh đền đợi ban phước lành, bởi những bức tranh tường kể bao câu chuyện lung linh, bởi những vầng trán mang trên chúng những ký hiệu khác nhau của chỉ một từ - niềm tin. Tôi trở nên trung thành với những ấn tượng cảm xúc đó trước cả khi hiểu lí do và ý nghĩa của chúng. Chính là cõi lòng tôi đã xui khiến tôi như thế. Tôi cảm thấy như ở tại nhà mình trong một ngôi đền Hinđu. Tôi ý thức được sự hiện diện, không phải như khi ta cảm thấy có ai bên cạnh, mà một cái gì đó lớn lao hơn nhiều. Cho đến nay, tim tôi vẫn thót lại mỗi khi tôi bắt gặp dấu hiệu hiện diện của Thượng đế trong nội cung thiêng liêng của một ngôi đền. Sự thực là tôi đang ở trong bào thai của vũ trụ linh diệu, nơi sinh ra muôn vật, và đang ân hưởng cái may mắn được ngắm nhìn bản thể sinh động của chúng. Hai tay tôi tự nhiên tìm đến nhau trong tư thế nguyện cầu thành tín. Tôi khao khát lộc thánh prasad, món cúng dường ngọt ngào lên Thượng đế và được hóa lộc cho chúng ta như một món ân hưởng thánh thiện. Lòng bàn tay tôi cần được cảm thấy sức nóng của ngọn lửa thiêng liêng, ân sủng của nó tôi xin đem lên cặp mắt và vầng tráng của mình.

Những tôn giáo lớn lao hơn nhiều các nghi lễ đó. Nó là cái mà nghi lễ muốn biểu đạt. Trong chuyện này tôi cũng là một người Hinđu. Vũ trụ có nghĩa lí trong cách nhìn Hinđu của tôi. Có Brahman, linh hồn của thế giới, cái khung muôn đời trên đó giải lụa sinh tồn được dệt nên muôn hình vạn trạng, với tất cả những điểm trang không gian và thời gian của nó. Rồi có Brahman nirguna, vô tính chất, nằm ngoài tầm biết, không thể mô tả, không thể với tới; với những con chữ nghèo nàn chúng ta đành chỉ biết khâu một bộ quần áo cho nó gọi là Thái cực, là Chân lý, là Cõi một, là Ý niệm tuyệt đối, là Thực tế cuối cùng… Và cố mặc vừa cho nó, nhưng Brahman nirgura luôn luôn làm bục chỉ những bộ quần áo đó của chúng ta. Chúng ta chẳng biết nói gì nữa. Nhưng rồi lại còn có Brahman saguna, có tính chất, và mặc vừa bộ quần áo. Thế là chúng ta gọi là Shiva, Krishna, Shaki, Ganesha; ta có thể tiếp cận nó với chút hiểu biết; ta có thể phân biệt những thuộc tính của nó – yêu thương, xót xa, sợ hãi – và ta cảm thấy được sức hút dịu dàng của quan hệ. Brahman saguna là Brahman được hiển hiện ra cho những giác quan hạn hẹp của ta, là Brahman đựơc biểu hiện không phải qua thần linh mà là qua người, thú vật, cây cỏ, thậm chí qua cả một dúm đất, vì bất kỳ cái gì cũng có một vệt thánh ở trong nó. Sự thực là Brahman chẳng khác gì Atman, cái sức mạnh tinh thần bên trong ta, cái mà ta có thể gọi là linh hồn. Linh hồn cá thể chạm tới linh hồn thế giới cũng như một cái giếng thông mạch với tầng nước ngầm của nó. Cái có thể duy trì vũ trụ bên ngoài ý nghĩ và lời nói, và cái nằm bên trong cốt lõi của chúng ta và luôn gắng gỏi để tự biểu hiện, chỉ là một mà thôi. Cái nhất định bên trong cái vô cùng, cái vô cùng bên trong cái nhất định. Nếu hỏi ta Brahman và Atman quan hệ với nhau chính xác là như thế nào, ta sẽ nói rằng cũng như cách mà ngôi Cha, Con và Thánh thần quan hệ với nhau, nghĩa là một cách thần bí. Những có một điều rõ rệt: Atman tìm cách để thực hiện Brahman, để được nhập một với cái Tuyệt đối, và nó du hành trong đời sống như một cuộc hành hương trong đó nó sinh ra rồi chết đi, lại sinh ra rồi chết đi nữa, cứ như thế, như thế mãi, cho đến khi nó trút bỏ được các các lớp vỏ bọc đã cầm tù nó. Con đường đi đến giải phóng của mỗi chúng ta được giàu thêm hoặc nghèo đi bằng chính những hành động của chúng ta.

Đó, một cách ngắn gọn, là tư tưởng Hinđu, và tôi đã là một người Hinđu suốt cả cuộc đời. Với những ý niệm xác tín Hinđu tôi nhận biết được chỗ của mình trong vũ trụ.

Nhưng chúng ta chẳng nên bám chặt lấy bất cứ một thứ gì! Khốn nạn thay cho những kẻ cực đoan và những ai kệ kinh nhãng nghĩa! Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về thần Krishna khi ngài còn là một chàng trai chăn bò. Đêm nào chàng cũng mời các cô gái đến nhảy múa với mình ở trong rừng. Họ đến và họ nhảy múa. Đêm tối, ngọn lửa ở giữa họ bùng lên dữ dội, nhạc đệm ngày một nhanh – các cô gái múa và múa và múa với vị chúa tể ngọt ngào của họ, người đã phân thân không mệt mỏi để có thể nằm trong vòng tay tất cả các cô gái. Nhưng khi các cô bắt đầu trở nên ghen tuông, khi mà ai cũng tưởng rằng Krishna là bạn nhảy chỉ của riêng mình, chàng liền biến đi. Cho nên ta không nên đem lòng ghen tị với Thượng đế.

Tôi có quen một người đàn bà ở Toronto này, rất thân thiết với tôi. Bà là mẹ nuôi của tôi. Tôi gọi bà là Auntieji (1) và bà thích thế. Bà là người vùng Quebec. Mặc dù đã sống ở Toronto hơn ba mươi năm, tâm trí nói tiếng Pháp của bà thỉnh thoảng vẫn xen vào cách bà nghe và nhận biết các âm thanh tiếng Anh. Cho nên, khi lần đầu nghe cái danh hiệu Hare Krishnas, bà nghe không ra. Bà nghe thành “Hairless Christians”, và cứ đinh ninh như thế trong nhiều năm(2). Khi tôi cải chính điều đó, tôi nói với bà rằng thực ra bà cũng chẳng nhầm lẫn gì nhiều; rằng những người Hinđu, với khả năng yêu thương của họ, thực tế cũng là những người Cơ đốc giáo không có lông thật, cũng như những người Hồi giáo trong cái cách họ thấy Thượng đế trong mọi vật, chỉ là những người Hinđu có râu rậm, còn những người Cơ đốc giáo, trong tinh thần hiến dâng mình cho Thượng đế của họ thì cũng là những người Hồi giáo có thói quen đội mũ mà thôi.

Ghi chú:

(1) Auntieji: nghĩ là cô/ bác thân yêu

(2) Hare Krishna: một giáo phái dựa trên kinh Vệ Đà ở Mỹ năm 1966. Tín đồ giáo phái này có tập quán ca ngợi thần Krishna. Bà cụ nghe thành Hairless Chirstian, nghĩa là người Cơ đốc giáo không có lông. Đoạn văn này giới thiệu quan điểm tôn giáo rất tự do của Pi Patel, chuẩn bị cho các câu chuyện tiếp theo.