Quả thực chứng đau đầu này hành hạ hắn nhiều lắm, chỉ là hắn là người mạnh mẽ.

Đau đến đâu cũng cắn răng chịu cho mọi người đỡ lo.

Khi xưa còn bé, mẫu phi ôm hắn cả đêm, nước mắt ướt hết y phục làm cho hắn tạo nên tính cách này.

Nếu kêu rên một câu chả phải mẫu phi như dao cắt trong ruột hay sao?
Quang Khải nghe Bách nói chữa chứng này đơn giản như vậy, hắn cũng hoài nghi nhưng lại nghĩ, có bệnh vái tứ phương, nếu hiệu quả thật không gì tốt bằng, tại sao lại không thử đây?
Đầu bếp lật đật chạy vào, Bách kêu hắn chuẩn bị một con cá mè to, vài vị thuốc.

Hắn dự định nấu món canh Đầu cá thiên ma.

Thiên ma có tác dụng bình can tức phong, hoạt lạc, thông tý, có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm nhưng Bách chọn đầu cá vì đầu cá là loại bổ âm, rất phù hợp với thanh niên khí thịnh như Trần Quang Khải.

Hai loại này khi kết hợp thành bài thuốc chống suy nhược thần kinh, đau đầu chóng mặt.

Cách nấu cũng rất đơn giản, cá làm sạch, cắt lấy phần nửa thân trên, cho thêm thiên ma, xuyên khung, phục linh.

Tất cả cho thêm gừng, hành tươi gia vị, nước, hầm trong nửa canh giờ.

Sau đó, dùng nước nấu đậu phụ, nước xương bò hoặc xương lợn, đổ vào nồi hầm cá cho ngập nửa thân cá, thêm muối, gia vị, bột tiêu dầu thơm; đun sôi rồi mang lên dùng nóng.


Đầu bếp tỏ vẻ hiểu ngay, chạy đi thực hiện.

Dù sao hắn cũng thuộc dạng ngự trù, nấu món ăn kiểu này đối với hắn không khó.
Dặn dò xong thì Trần Quang Khải nói:
- Ta đã quyết định bẩm việc này lên Thượng hoàng và Quan gia.

Như vậy, việc mặt trời xuất hiện hai quầng đã thành việc lớn.

Sinh mạng chính trị của ta và các ngươi đã gắn vào làm một.

Để tối đa lợi ích việc này còn cần lão sư cho ý kiến.
- Ta đã suy nghĩ việc này, theo ta từ nay đến ngày 25 còn chục ngày.

Chúng ta cần tuyên truyền việc này đến khắp các châu huyện.

Có lẽ nên để bọn văn sĩ đưa lời là hợp ý nhất.

Đại ý là Chiêu Minh Đại Vương đêm nằm mộng, thấy trời loan báo cha và anh ngài là bậc đế quân chịu thiên mệnh, ngày 25 sẽ giáng điềm lành ứng vào hai vua.

Như vậy, người trong nước khi thấy hai quầng mặt trời sẽ coi như nhà Trần ứng lòng trời mà lập, không còn tơ tưởng đến tiền triều nữa.
- Việc này đúng là phải làm như vậy, không thể phát lời từ phía Thái thượng hoàng và Quan gia.

Trong triều chỉ có ta và lão Quốc Tuấn làm là hợp nhất, nhưng lão quái đấy làm sao chịu làm việc này.

Nhưng ta vẫn muốn làm gì đó để tuyên truyền tốt hơn, cho bọn cựu thần nhà Lý kia sau này không dám lời ra tiếng vào nữa.
Bách quay sang hỏi Lê Văn Hưu:
- Triều ta dịp nào người dân tụ tập đông đảo, hào hứng nhất?
- Chắc là các lễ hội lớn.

Nhưng những lễ hội đầu năm đã qua hết rồi.

Đến 25 không còn dịp nào dân chúng tụ tập nữa.
- Vậy có hoạt động giải trí nào tụ tập đông người không?
- Hoạt động đàn ca thì có nhiều, nhưng sao làm tập trung đông đảo nghe hát được, chỉ trăm người là không nghe thấy gì? Đúng rồi có xúc cúc …
Lê Văn Hưu như chợt nhớ ra điều gì.

Quay sang bảo Bách:
- Chỉ có xúc cúc là tập trung đông người, lại vui vẻ náo nhiệt.
Xúc cúc là một loại hình đá bóng xuất hiện từ thời cổ đại ở Trung Quốc, phát triển đỉnh cao chính là thời Tống.


Lúc đầu chỉ là một môn rèn luyện sức khoẻ cá nhân, một hay một nhóm người tâng bóng khoe kỹ thuật.

Đến đời Tống, môn xúc cúc đã khá giống với bóng đá hiện đại.

Bách biết chuyện này qua tiểu thuyết Thuỷ hử, tên tham quan Cao Cầu chỉ vì chơi xúc cúc giỏi mà vua Tống ưa thích đưa lên làm Thái uý.

Nước ta lúc này chịu ảnh hưởng của nhà Tống nên thời này ở Đại Việt, xúc cúc cũng được đa số tầng lớp hoan ngênh, đặc biệt là quân sĩ trong quân.
Bách đưa ra ý kiến:
- Cùng với việc tuyên truyền này, ngài có thể mở một trận đấu xúc cúc vào ngày 25, lý do chào chúc mừng hai vua.

Ngài sẽ trao phần thưởng cho đội thắng đúng thời điểm hai quầng mặt trời, điều này sẽ càng làm lòng tin tăng lên.
- Quả là cao kiến! Như vậy đi, ta có một đội xúc cúc tên là Chiêu Minh xã, ta sẽ cấp tốc gửi thư cho lão hồ ly Quốc Tuấn, để hắn mang đội An Sinh xã nhà hắn lên kinh.

Hôm đấy phải làm thật náo nhiệt, ta cũng muốn nhà hắn chứng kiến thời khắc huy hoàng của cha và huynh ta.

Hắn đã mấy lần khích tướng nhưng đội An Sinh xã có hai tên Yết Kiêu và Dã Tượng, thật không sao đấu lại được.
Bách nghe nói thì giật mình, hai danh tướng không ngờ cũng là tuyển thủ xúc cúc nha.

Nhưng nghĩ lại thì cũng không lạ, môn này phổ biến trong quân nhân, lại là đua tranh giữa nam nhân với nhau.

Yết kiêu và Dã tượng theo truyền thuyết thì toàn kỳ nhân.

Hắn đang tưởng tưởng cặp này mà thi đấu với tuyển thủ quốc gia thời hắn có lẽ cũng không vấn đề gì.
Ba người bàn bạc một hồi thì gia nhân cũng dọn cơm.

Cơm canh theo lời dặn của Bách cũng chỉ có món cá và một ít cơm.

Phần đầu con cá mè có lẽ cũng phải vài kg, bày trong một đĩa lớn.


Lúc này, mùi thơm của canh cá quyện với các gia vị cũng kích thích mọi người ngồi vào bàn ăn.

Gia nhân múc một bát cho mỗi người, bên cạnh bày một dĩa nước mắm gừng.

Trần Quang Khải nếm thử canh, dùng một ít thịt cá rồi thở ra một hơi.
- Món này không tồi, ta tưởng cho thêm vài vị thảo dược thì ăn chỉ để chữa bệnh lá chính, không cầu ngon miệng.

Không ngờ cách nấu này đặc sắc, ăn rất vừa miệng.

Món canh này người già dùng có tốt không?
- Món này già trẻ đều tốt, nhưng ngày tuổi trẻ thì dùng cá để hầm.

Nếu người cao tuổi có thể dùng các loại thịt thay thế.

Đều có tác dụng bổ não, tránh đau đầu.
- Vậy thì phải hiến cho phụ hoàng mới được!
Ba người vừa trò truyện vừa say sưa ăn, sau đó mỗi người ăn chút cơm.

Đây là cách ăn uống của người Việt, mòn ngon đến đâu sau khi thưởng thức cũng vẫn sẽ dùng một chút cơm trắng với vài quả cà muối.

Mọi việc bàn bạc xong xuôi thì Lê Văn Hưu đưa Bách đến cửa, sai gia nhân dẫn hắn về Lê phủ, còn hắn thân là thầy học cũng là quân sư của Trần Quang Khải, phải ở lại để cùng bọn môn khách và gia tướng bàn bạc chuyện cơ mật.