Arthur là một cậu chàng xinh xắn, điều đó khiến anh rất được mọi người yêu mến – dù là nam hay nữ. Nữ giới đương nhiên cũng thích những chàng trai đẹp, nên có những lúc dễ dàng tha thứ cho hành động lỗ mãng của anh.

Vitalie cực kỳ nghi ngờ, rốt cuộc Arthur đã từng yêu bao giờ chưa? Thích hoặc yêu một cô gái xinh đẹp là điều rất bình thường, nhưng khái niệm về tình yêu của anh lại chỉ đạt được thông qua sách vở.

Anh ấy vẫn còn trẻ mà! Vẫn chưa đến thời điểm suy xét về tình yêu. Có điều, Verlaine… Arthur vẫn tán dương Paul Verlaine, đương nhiên, giới hạn hiện tại là tán dương thơ ca của Verlaine.

Vitalie nghĩ trái nghĩ phải, cũng không rõ vì sao sắp tới Rimbaud lại nảy sinh quan hệ xác thịt khó tả với Verlaine, Arthur là chàng trai nhỏ bé thanh tú, còn Verlaine chỉ lớn hơn anh có 10 tuổi nhưng đã bị hói sớm…

Về phương diện sắc đẹp thì cô rất không ưa Verlaine.

Mà hình như nam thanh niên văn nghệ sĩ ở Paris không quan tâm đến chuyện hói trước tuổi cho lắm, quan trọng là… tài năng.

Không lẽ ngưỡng mộ về tài năng có thể biến thành ngưỡng mộ về chính con người đó? Hình như chuyện này cũng bình thường, chỉ là, Arthur là người đồng tính? Là em gái, Vitalie không thấy anh có xu hướng giới tính rõ ràng. Con trai ư, bàn luận về các cô gái xinh đẹp là chuyện rất bình thường, nếu không nói cụ thể là cô gái nào thì không thể xem là có “ý thức tình dục” được, càng đừng nói đến “khuynh hướng tình dục”.

Đây đúng là một điều bí ẩn.

***

Con trai lại bỏ trốn khiến bà Rimbaud rất giận, nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục.

Buổi chiều bà Rimbaud xuống giường, lại bận rộn chuyện nhà, dạy dỗ hai cô con gái.

Bà không đề cập đến Arthur, Vitalie cũng sẽ không chủ động nhắc tới anh trai.

Theo như đã hứa, Arthur vừa đến Paris là viết thư cho Vitalie ngay, sáng ngày thứ ba thư được đưa tới nhà Rimbaud.

Thư viết không dài, chỉ ngắn gọn nói anh đã đến Paris, ở trong khách sạn, nhưng khéo léo không viết tên khách sạn; nói anh định ngày mai (tức là ngày hôm qua) muốn đi tìm vài nhà thơ, còn muốn đến tòa soạn xem thế nào.

Bà Rimbaud nghiêm túc hỏi: “Thằng bé nói gì?”

“Anh ấy… muốn đi gặp mấy nhà thơ nổi tiếng, còn hy vọng có thể tìm được công việc ở tòa soạn.” Vitalie cho rằng những chuyện này có thể cho mẹ biết.

“Tìm việc?” Bà Rimbaud ngạc nhiên, “Nó muốn tìm việc?”

“Vâng. Con có nói với anh ấy, miễn người ta muốn nhận anh ấy thì dù thu phát thư hay làm việc vặt cũng được. Có điều anh ấy tự đề cao mình quá, chắc không muốn làm việc vặt trong phòng đâu.”

“Thế nó muốn làm gì?”

“Nhà sáng tác.”

“Nó có nổi không? Ý mẹ là, nhà sáng tác ấy.” Bà Rimbaud khó khăn nói ra danh từ mới.

“Anh ấy viết rất tốt, nhưng anh ấy còn quá trẻ, người ở tòa soạn có lẽ sẽ coi thường anh ấy.”

Bà Rimbaud mím môi không vui, “Nó là đứa trẻ thông minh, mọi người không nên coi thường nó chỉ vì tuổi còn nhỏ.”

Vitalie nhún vai, lập tức bị mẹ trách, “Con làm động tác kỳ quặc gì thế?”

“À, không có gì ạ.” Cô vội vàng chạy trốn.

***

Quay về phòng, Vitalie viết thư hồi âm cho Arthur. Tuy anh không đề địa chỉ nhưng có thể để thư lại bưu điện, anh sẽ đến bưu điện lấy thư. Cô nói sẽ gửi kèm cho anh 100 franc, để anh lập tức xuất phát đến Dijon.

Arthur chưa bao giờ nghĩ đến, anh không quen biết một người nào ở Paris thì với một chàng trai ở trấn nhỏ hẻo lánh như anh, những nam thanh niên văn nghệ đã thành danh hoặc có danh tiếng sẽ không để anh vào mắt.

Khi anh còn chưa đi là Vitalie đã biết, nhất định lần này anh sẽ quay về trong thất vọng.

Dù có nhiệt tình và tài năng thì vẫn chưa đủ, phải có quan hệ, anh cần một “người dẫn đường” coi trọng sự tài hoa của anh.

Quả nhiên, bức thư thứ hai của Arthur nhanh chóng đến. Anh có chán nản nhắc tới chuyện các nhà thơ ở Paris không một ai để ý đến anh, anh đã chép tập thơ của mình gửi cho vài người trong số đó, song không ai hồi âm lại anh, anh cũng không biết đi đâu mới có thể tìm được những người này.

Về chuyện đi Dijon, anh bày tỏ, việc gì phải đi tìm người đàn ông đó? “Mẹ già” cũng không muốn nhắc đến ông ta thì việc gì phải tìm.

Vitalie hồi âm: Dựa vào việc chúng ta và ông ta cùng họ Rimbaud! Mau đi mau đi! Nếu đại úy Rimbaud đồng ý cho anh ít tiền thì anh có thể ở lại Paris thêm một thời gian; Còn nếu ông ta không cho một đồng franc nào thì, hừ hừ, cô tuyệt đối sẽ không để ông ta được sống vui vẻ qua ngày!

Có lẽ chuyện gặp phải ở Paris đã khiến anh thất vọng, hoặc có lẽ tiền cảnh có tiền đã khiến anh rung động, nói tóm lại, sau khi nhận được thư của em gái, Arthur thực sự đã tới Dijon.

***

Vitalie không biết Arthur đã gặp gì ở Dijon, sau hai tuần rời nhà, Arthur Rimbaud về lại Charleville.

Bà Rimbaud nghiêm khắc hỏi anh một hồi, anh kể lại chút chuyện ở Paris, kể ra thì cũng suýt đã đến cảnh lưu lạc đầu đường, làm bạn với trộm cướp. Bà Rimbaud có vẻ thất vọng, hỏi anh rốt cuộc là muốn làm gì.

Arthur mù mờ, sau đó lại nói: “Con muốn trở thành nhà thơ.”

Bà Rimbaud hoang mang, “Nói vậy là có ý gì?”

“… Thì là, mọi người không hiểu hành văn của mẹ, nhưng vẫn cho rằng mẹ viết hay!” Anh nói rồi mỉm cười.

Lúc này anh mới phát hiện, thật khó để giải thích cho mẹ hiểu lý do anh muốn trở thành nhà thơ, nhưng Vitalie thì khác, cô ngay lập tức hiểu “tại sao” và cực kỳ ủng hộ anh.

Một lần nữa anh lại lén trốn nhà đi xa, nhưng vẫn không phải chịu phạt.

Anh về phòng, không cởi giày mà nằm dài trên giường. Nửa tiếng sau, Vitalie đi vào.

Cô cẩn thận khép cửa lại, lấy ghế gỗ chèn phía sau cửa.

Vitalie bực dọc nói: “Cởi giày ra! Anh có biết mùa đông giặt khăn trải giường lạnh lắm không.”

Arthur hừ hừ hai tiếng, vẫn nằm lì.

Cô tự thân vận động, “Anh bẩn chết đi được!” rồi cởi giày giúp anh.

“Rửa chân!”

Lúc này anh mới ngồi dậy, cởi đôi tất thối ra, ngâm hai chân vào thùng gỗ cạnh giường.

“Ây da, thoải mái quá!”

Dù trong nhà có bà mẹ nghiêm khắc hay càm ràm khiến anh lúc nào cũng muốn chạy trốn, nhưng có người em gái ngoan ngoãn lại cần cù như thế thì căn nhà này cũng không quá tệ.

“Nói nhanh đi, anh có đến Dijon không? Dijon thế nào?” Vitalie vừa nghĩ đến 100 franc của cô là lại đau lòng: Mới có nửa tháng mà 500 franc cậu cho đã đi tong 200 franc rồi.

“Dijon cũng không tệ, tốt hơn Charleville nhiều.” Miền bắc nước Pháp nghèo khổ, lại vì chiến tranh nên nghèo rớt mùng tơi; nam bộ giàu có sung túc thì tùy chỗ, nhưng Dijon là nơi rất êm đềm.

“Có gặp được đại úy Rimbaud không?”

Arthur sầm mặt, “Có gặp.”

“Ông ta nói gì?”

“Ông ta nói mình không có tiền, mua nhà hết rồi.”

Vitalie hừ một tiếng, “Còn gì nữa không? Ông ta có tình nhân không?”

Hai anh em đang thì thào nói chuyện, nói đến đây, Arthur dứt khoát nói vào tai cô: “Có.”

Vitalie cũng không ngạc nhiên: “Ông ta mà không có tình nhân thì em còn bội phục là đàn ông đấy.”

“Trong nhà ông ta có một thằng nhóc tầm 10 tuổi, nhưng anh không rõ là con do tình nhân đưa đến, hay là… em trai của chúng ta.” Lúc nhắc đến hai chữ “em trai”, vẻ mặt anh rất lạnh lẽo.

Lượng tin tức siêu lớn!

Sau khi giải ngũ, đại úy Rimbaud có tình nhân! Và cả con!

Tính xem nào, năm nay đại úy Rimbaud 57 tuổi, ông ấy về hưu lúc 50 tuổi, nhưng thực tế 10 năm trước ông ấy đã rời khỏi Charleville. Một người đàn ông 47 tuổi bỏ vợ, nhiều năm như thế lại không có người phụ nữ khác bên cạnh, Vitalie chẳng tin.

Có người tình là chuyện bình thường, không ai để ý cả, nhưng có một đứa con riêng lớn đến thế rồi ư? Có thể Arthur đoán tuổi của đứa bé đó không chính xác, nhưng rất có thể đó là con của đại úy Rimbaud với người phụ nữ khác sau khi rời Charleville.

Lửa giận trong lòng Vitalie bốc cao.

“Sau đó thì sao? Đến một xu ông ta cũng không cho anh mà đuổi anh đi?”

“Ông ta cho anh 100 franc.” Arthur mỉa mai, “Anh thực sự rất muốn quẳng 5 đồng vàng đó vào mặt ông ta!”

Vitalie vội nói: “Không được quẳng!”

Arthur cười, “Không quẳng. Nè, cho em.”

Anh lấy túi tiền ra, “Em cất đi.”

Vitalie nhận lấy túi tiền, nghiêm túc nói, “Em đã tính rồi, 4 đứa chúng ta sinh hoạt phí một năm vào khoảng 1.000 franc, sau khi Isabelle chào đời, 10 năm là 10.000 franc; Trước khi Isabelle ra đời thì số tiền này giảm dần từng năm, 7 năm tổng cộng phải chi 3.500 franc, tính thêm lãi này nọ, tổng cộng ông ta phải trả 15.000 franc tiền nuôi dưỡng.”

“Ây dà! Đúng là một khoản tiền lớn!” Arthur thán phục.

Vitalie cảm thấy nhất định phải mở lớp kế toán gia đình cho ông anh mình mới được.

“Bây giờ một nhà năm miệng ăn chi ra khoảng 1.500 franc một năm, khoản tiền này đại úy Rimbaud vốn nên trả hết, hiện tại em giảm xuống một năm 1.000 franc là giá đã ưu đãi lắm rồi.”

“Giá ưu đãi là gì?” Có lúc em gái hay nói mấy từ rất mới mẻ.

“Thì là —— Anh đừng có đánh trống lảng! Em còn chưa tính toán ông ta phải trả tiền lương và tiền cấp dưỡng cho mẹ đâu. Dạy con không chỉ là vấn đề về tiền mà còn tiêu tốn rất nhiều sức lực. Sao hả? Anh tưởng khăn trải giường và quần áo tự được giặt phơi khô, rồi tự nhảy vào tủ của anh à?” Vitalie trợn mắt nhìn anh, “Anh nên học cách lau sàn nhà, giặt khăn trải giường đi, như thế anh mới biết làm việc nhà không dễ dàng.”

Arthur vội ôm lấy bả vai cô, cười nói: “Anh biết rồi anh biết rồi, ngày nào em cũng rất vất vả.”

Cô hừ một tiếng, “Anh thấy, em có nên đi tìm ông ta đòi khoản tiền này không?”

Arthur lại sầm mặt, “Đương nhiên phải tìm đòi rồi! Ông ta mà không đưa nổi thì bắt ông ấy bán nhà!”

Ấy, tâm trạng như thế có không đúng lắm. Bình thường Arthur không coi trọng tiền, dẫu anh biết tiền quan trọng song cũng không để tâm nhiều như thế. Không lẽ lần này đã chịu đả kích gì ở chỗ đại úy Rimbaud sao?

Có điều nghĩ cũng phải, đại úy Rimbaud bạc đãi con mình, có con riêng rồi thì dùng 100 franc đuổi mình đi, ai mà không phẫn nộ, huống hồ là Arthur vốn không phải đứa trẻ ngoan.

Bây giờ Arthur là thiếu niên nổi loạn đúng nghĩa. Nói một cách dễ nghe thì ấy là “một cậu bé nghịch ngợm”, nói không khách khí thì là một “cậu bé đầu gấu”.