Tôi chẳng thể nhớ nổi khuôn mặt của ông cụ. Dĩ nhiên nếu gặp ông ngoài đường, tôi sẽ nhận ra ngay. Nhưng khi quay về nhà, còn lại có một mình, dù tôi có cố hình dung, khuôn mặt ông cũng biến dạng đi như một hình nhân bằng đất nặn đã bị mủn ra, không thể nhớ rõ ràng được. Ông cụ thường mặc áo sơ mi màu nâu, đeo thắt lưng để mặc được cái quần rộng lùng thùng màu xám tro, đi một đôi giày giống như giày thể thao đi trong nhà của học sinh tiểu học, tay xách túi đi chợ. Người ông gầy đét, đầu hói. Tôi nhớ rõ ràng những điểm đại khái như vậy, và cả những chi tiết vụn vặt như tay ông có nhiều vết chàm lấm tấm, nhưng hễ cứ định ngẫm lại xem khuôn mặt của ông cụ như thế nào, tôi lại cảm thấy bất lực.

“Đúng rồi. Tao cũng thế.” Khi nghe tôi nói vậy, Yamashita liền gật đầu ngay. “Tao hay xem kịch cổ trang trên ti vi. Có vở kể về một ông cụ hồi xưa là thân tín của lũ trộm cướp, về sau lui về ẩn dật làm tẩu sống qua ngày. Xem vậy khiến tao nghĩ ông cụ kia chắc cũng giống thế. Nhưng rồi, hễ có ông già nào khác xuất hiện trên ti vi là tao lại có cảm giác ông đó giống ông cụ hơn.”

“Tao cũng vậy.” Wakabe nói. “Hồi trước, hình như có ai từng nói là không thể nhớ nổi khuôn mặt người con gái mà mình yêu.”

Tức thì Yamashita sặc ly nước quả đang uống dở. “Ông cụ già thì có can hệ gì với người con gái mà mình thích chứ?” Nó tỏ vẻ cáu tiết hiếm thấy.

“Đúng vậy còn gì.”

“Mày đừng có nói năng linh tinh nữa!”

“Ừ thì thôi. Nhưng mà này, tại sao mình không nhớ nổi mặt ông ấy nhỉ?”

Tại sao thế nhỉ?

“Hay tại mình toàn nhìn lén nên không nhớ được?” Yamashita nói.

“Chắc vậy.” Tôi nói. Wakabe không nói gì, nhưng nhìn mặt là biết nó không phục lý do đó.

Thực ra thì ngay đến tôi cũng thấy vậy.

“A!”

Cửa ra vào mở đánh kẹt một cái. Cánh cửa làm bằng gỗ dán rẻ tiền nên chỉ tạo ra được âm thanh như vậy. Chúng tôi nhanh chóng nấp sau một chiếc xe đang đỗ ở đó, bắt đầu bám theo. Ông cụ vẫn chậm chạp như bình thường, hai chân như hơi ríu lại khi bước đi. Chỗ ông đến chắc chắn là cửa hàng tiện lợi. Thực ra có lượn lờ tới gần cũng chẳng sao nhưng chúng tôi tôn trọng ý kiến “làm đúng phong cách thám tử” của Wakabe nên cứ hết nấp sau cột điện lại đến máy bán hàng tự động, len lén theo dấu ông cụ như ninja. Khi đến ngã rẽ vào phố mua sắm, đột nhiên ông cụ ngoái lại. Yamashita cuống lên, cụng đầu đánh cốp vào cột điện. Ông cụ nhìn thấy, liền cười khẩy một cái và quay đi.

“Chết thật!” Wakabe tặc lưỡi. “Mày bị lộ rồi!”

“Lộ là sao?”

“Tức là đã bị phát hiện chứ sao. Không thế thì mập như mày trông cũng lộ liễu lắm rồi!”

Yamashita cúi đầu, mắt ngân ngấn nước.

“Này mập, đừng nhè chứ! Hay mày cải trang đi.”

“Hả?”

“Mày sẽ cải trang.” Wakabe lôi từ trong túi ra một hộp gì đó hình vuông, màu dỏ.

“Tao biết thể nào cũng có ngày nó có ích mà.” Bên trong có một thứ tua tủa màu đen, một tuýp keo và một tấm nhựa.

“Râu giả đấy! Mày gắn vào đi!”

“Không! Không!” Yamashita dù bị tôi giữ vẫn vùng vẫy kêu la. Wakabe chẳng thèm để ý, bắt đầu mở nắp tuýp keo.

“Hay thôi đừng làm thế.” Lần này tôi thực khó mà không làm đồng minh của Yamashita. Một học sinh tiểu học béo tròn, mặc quần soóc mà lại có ria mép, chắc chắn trông còn nổi bật hơn.

“Thay vào đó, mình nên nhanh lên. Đến thẳng cửa hàng tiện lợi thôi!”

Tôi chưa kịp nói hết câu thì Yamashita đã vùng ra, hét lên “Đi thôi!”

* * *

Không thấy ông cụ tại cửa hàng tiện lợi nằm tách biệt với phố mua sắm. Chúng tôi vẫn bình tĩnh đi tới công viên. Nhưng khi nhận ra ông cụ cũng không có ở đây, ba đứa bắt đầu hơi lo.

“Đúng là mình bị nhận ra là đang theo dõi rồi.” Yamashita tỏ vẻ có lỗi, lo lắng nói.

“Trước tiên, mình cứ đi tìm thử xem. Yamashita sẽ tìm ở nhà ông cụ và khu xung quanh. Wakabe đi tìm ở khu phố mua sắm. Sau nửa tiếng nữa tập trung ở đây.”

“OK!”

Cứ như những thám tử mưu trí đã trải qua hàng trăm cuộc đối đầu, ba đứa nhanh chóng tản ra. Tôi sớm có chút hy vọng. Ở phía trên đoạn dốc cạnh công viên có một bệnh viện rất lớn. Tôi vừa tưởng tượng cảnh Wakabe và Yamashita tấm tắc khen ngợi mình vừa chạy lên dốc. Phòng chờ tràn ngập ánh chiều tà chiếu vào từ một cửa sổ rất lớn trên nóc. Có quầy tiếp bệnh nhân, quầy thanh toán, quầy bán thuốc, từ đó có những con đường nhỏ tỏa đi, dẫn tới khoa nội, khoa nhi, khoa tai mũi họng, khoa mắt, khoa phẫu thuật chỉnh hình, khoa phụ sản.

Sau khi nhìn qua một lượt phòng chờ lớn và xác nhận rằng không có ông cụ ở đó, tôi bắt đầu đi sang phòng chờ của các khoa khác. Người lớn tuổi không nhiều. Toàn là trẻ con đi với mẹ chúng, người hình như là nhân viên bán hàng nghỉ việc đến đây. Chắc tại hiện đang là giờ chiều. Bận trước, khi tôi nghỉ buổi học sáng ở trường đến đây, chỉ thấy toàn người già và những bà chửa.

Sáng hôm đó, mắt tôi đỏ như mắt cá chết.

“Con chắc chắn bị viêm kết mạc rồi, phải đến bệnh viện thôi.” Tôi đã nói rằng tôi đi một mình cũng được, nhưng mẹ tôi chẳng chịu nghe, một mực đòi đưa tôi đi.

Tôi và mẹ vừa ngồi xuống ghế đợi của khoa mắt, thì từ trong phòng khám, giọng của một bác sĩ nam rít lên.

“Tôi vừa mới cho thuốc hôm kia cơ mà! Tại sao giờ đã hết rồi? Nói rõ xem nào? Tại sao thuốc tôi mới đưa hôm kia giờ đã hết rồi?” Sau một hồi nói rì rầm. “Đánh đổ rồi à? Tại sao lại bị đổ? Hả? Có phải cố tình đánh đổ không?” Giọng bác sĩ lại dội lên như cảnh sát hỏi cung trong phim hình sự, làm tôi phát sợ.

Tôi cứ nghĩ chắc chắn ở trong đó cũng là một đứa trẻ giống như tôi, nhưng người mở cửa đi ra lại là một ông già nhăn nhúm và không hề nhỏ bé chút nào. Ông nhét ví vào túi ni lông đựng đồ của siêu thị, mặt toàn nếp nhăn, nửa vạt áo thòng ra khỏi quần. Bắt gặp ánh mắt của tôi, ông già cười ngượng ngập. Giống như bị bắt quả tang lúc đang làm việc gì xấu. Tôi không sao quên được khuôn mặt của ông già ấy. Và cả khuôn mặt tươi cười của vị bác sĩ kia khi nói chuyện với mẹ tôi sau đó. “Cháu nó bị viêm kết giác mạc, phải cho dùng chậu rửa mặt và khăn riêng. Không sao đâu, tôi có thuốc rất tốt, chỉ sau năm ngày là cháu nó sẽ khỏi.”

Tiếng còi xe cấp cứu vang lên, tôi giật mình. Không lẽ nào! Tôi có linh cảm chẳng lành. Tôi chạy vù qua phòng chờ chính. Lúc tôi tới cửa ra vào, cáng đã được đưa vào trong. “Bị ngã từ trên cầu thang xuống.” Một bà mặc áo bảo vệ nói với những người đến thăm. Chân tôi cứ tự động tiến lại phía bà và dừng luôn tại đó. “Này, bác ơi!” Giọng tôi khàn đặc.

“Có chuyện gì?” Quanh mắt bà ấy lồi cục nom như hạt của một loài thực vật khó ưa nhưng tôi không quan tâm.

“Người vừa được đưa tới có phải là một ông cụ không ạ?”

“Không. Là một bà cụ.”

Tôi thở phào nhẹ nhõm, quên cả cảm ơn bác ấy.

Khi tôi quay lại địa điểm tập hợp, Wakabe và Yamashita đã đứng đợi ở đó.

“Thế nào?” Wakabe lại bắt đầu rung đùi. Tôi lắc đầu. “Hay là ông ấy trốn rồi?” Đôi mắt sau cặp kính cận của nó híp lại.

“Không thể thế được. Có phải phim hình sự đâu.”

Sau đó chúng tôi đến nhà tắm công cộng, sân gôn, tầng thượng của các tòa nhà, cả khu triển lãm nhà ở, nơi mà chúng tôi thường không ghé chân, để tìm ông cụ. Trời nắng, đến tận lúc chúng tôi lê ba đôi chân mỏi nhừ quay về nhà ông cụ, nắng vẫn còn chiếu.

“Lại về đây rồi.” Yamashita nói vậy rồi buông người xuống đất, ngồi khoanh chân ở đấy. Tôi và Wakabe cũng ngồi xuống, ba đứa ngồi xếp hàng, dựa vào tường, thẫn thờ.

“Tại sao tụi mình lại cố gắng đến mức này để tìm ông cụ ấy nhỉ?”

“Đúng vậy, cứ như một lũ ngốc.” Wakabe nói, bật ra một tràng cười ngắn. Trời đã tối hẳn, vậy mà quạ vẫn còn kêu. Tiếng ồn từ đường cao tốc ở đằng xa nghe rì rào như tiếng một dòng sông. Không hiểu sao tôi thấy buồn ngủ.

“Nguy rồi!” Yamashita hét thất thanh.

“Cái gì thế?”

“Tụi mình quên mất buổi học thêm rồi!”

Đây là lần đầu tiên chúng tôi quên mất giờ học thêm. Hoảng hốt đứng lên, tôi nhìn vào đồng hồ của Yamashita, Yamashita nhìn vào đồng hồ của Wakabe, còn Wakabe nhìn vào của tôi, ba đứa va đầu vào nhau.

“Ba mươi phút nữa là hết giờ. Làm sao đây?”

“Trốn luôn cho xong.” Wakabe nói.

“Hay là làm như vậy?” Yamashita lúng túng.

“Cứ đi xem thế nào đã.” Tôi nói.

“Kiyama đúng là bé ngoan.” Wakabe nói. Yamashita làm bộ mặt chẳng ra thất vọng cũng chẳng phải nhẹ nhõm.

“Tao sẽ đi.” Bị gọi là bé ngoan khiến tôi hơi cáu.

“Hử? Mày nói thật đấy à?”

“Tao sẽ đi.”

“Bỏ đi! Giờ mày có đến thì cũng học được gì đâu.”

Wakabe vừa nói vừa vỗ về Yamashita, chúng tôi bắt đầu rảo bước.

* * *

Thứ Bảy cuối cùng của học kỳ một, Yamashita phải giúp việc ở cửa hàng nên chỉ có tôi và Wakabe tiếp tục theo dõi buổi tối. Wakabe ỉu xìu kể rằng hôm trước, do đến quá muộn nên thật xui là chỗ học thêm đã liên lạc về nhà, thế là nó bị mẹ đánh cho một trận. Còn mẹ tôi vẫn vừa nhìn tôi ăn cơm vừa uống rượu. Mẹ uống nhiều hơn thường ngày, nhưng chẳng nói gì cả.

Hai đứa tôi im lặng nhìn vào nhà ông cụ. Wakabe nhón lên, còn tôi thì cố để không nhô đầu cao quá. Độ này tôi nhổ giò khá nhanh. Ngày nào cũng áp người vào tường nên dễ nhận ra điều đó. Thi thoảng ngó vào gương, tôi lại thần người ra nhìn đôi chân dài thòng thò ra khỏi cái quần soóc và hai cánh tay loằng ngoằng của mình. Lũ con gái đáng ghét gọi tôi là “cao kều” cũng là chuyện dễ hiểu. Ngay đến mặt tôi hình như cũng dài ra, đặc biệt là cái mũi. Cái mũi của tôi sao lại dài thế này cơ chứ!

“Này!” Ai đó ở đằng sau thì thào gọi chúng tôi. Là Yamashita. Chắc nó đã chạy đến đây nên người ướt đẫm mồ hôi.

“Sao thế?”

“Không được trốn việc nhà đâu.” Wakabe lên tiếng thuyết giáo.

“Ừ. Tao có cái này.” Nó mang theo một gói giấy báo.

“Cái gì thế?”

Yamashita cười hề hề vẻ tự mãn, giở gói giấy báo ra. Là gỏi cá. “Trông ngon quá!” Trên cái đĩa nhựa, xếp cùng với lá tía tô và củ cải thái sợi là cá ngừ, mực với nhím biển. Tôi vẫn không khoái cá nhưng cũng cảm thấy những thứ tươi ngon xếp trên đĩa thật là đẹp mắt.

“Mày đi đưa hàng à?”

“Tao lén mang đến đấy!”

“Sao lại làm thế?”

Yamashita hơi ấp úng.

“Mày định làm gì với đĩa cá này?”

“Không... Ờ... Tao định mời ông cụ ăn.”

“Mày... đúng là số dzách!” Wakabe lần đầu tiên biểu lộ vẻ phấn khích như vậy. “Mày là thiên tài! Không, không chỉ là thiên tài đâu. Mày là một thiên tài dũng cảm!”

“Thế... thế à.” Yamashita ngượng nghịu.

“Đúng thật mà. Vì cứ thế này thì ông cụ chẳng chết được đâu.” Wakabe nghiêm túc nói.

“Hả?”

Mắt Wakabe quét qua đĩa gỏi cá. “Trông chẳng nhận ra là đã cho độc vào đâu!”

Yamashita giấu biến đĩa gỏi cá ra sau lung. “Đừng có nói bậy!” Nó hét lên choe chóe.

“Gì chứ?” Wakabe dẩu môi “Mày cho độc vào rồi đúng không?

“Tao... tao chỉ muốn thỉnh thoảng mời ông cụ ăn gỏi cá thôi!”

Ít nhất từ hồi chúng tôi theo dõi đến giờ, chưa từng thấy ông cụ ăn gỏi cá lần nào. Ông cụ toàn ăn cơm hộp và đồ hộp mua từ cửa hàng tiện lợi.

“Mày bị khùng hả? Chúng mình vì cái gì mà ngày nào cũng rình rập ở đây?” Wakabe sầm mặt, lườm Yamashita một cái sắc lẻm.

“Thì... đúng là

“Ông cụ được ăn uống đầy đủ rồi sẽ thế nào hả? Đồ ngốc!”

“Nhưng mà...” Yamashita cúi đầu, tay nắm chặt cái đĩa. “Mời ông cụ ăn món ngon thì có gì không tốt? Nếu như ông ấy thực sự sắp chết rồi?”

Wakabe im lặng, rồi tặc lưỡi. “Làm thế nào mà chuyển cho ông cụ được?” Nó nói cụt ngủn.

“Mình sẽ đặt trước thềm, gõ cửa rồi trốn đi.”Yamashita sôi nổi nói. Có vẻ nó đã ấp ủ ý nghĩ này từ trước rồi.

“Mày cứ làm thế đi.”

Nghe Wakabe nói vậy, Yamashita đột nhiên quay sang lo lắng nhìn tôi.

“Làm một mình?”

“Đúng vậy. Chính mày đưa ra ý kiến đó mà.” Wakabe ra vẻ thây kệ thích ra sao thì ra. Yamashita vẫn đăm đăm nhìn tôi.

“Đi một mình đỡ cuống lại hay hơn đấy.” Nghe tôi nói, vẻ mặt Yamashita ủ dột đi trông thấy.

“Tao thấy ý của mày hay dấy.”

“Thật chứ?”

“Thật mà!”

Yamashita nhìn chằm chằm cánh cửa ra vào, rồi lại nhìn tôi, đoạn nó gật đầu, run rẩy vươn tay qua lỗ hổng trên tường, nhẹ nhàng đặt cái đĩa lên bậc đá bị khuyết một đầu trước cửa. Sau đó nó quay lại nhìn chúng tôi. Tôi và Wakabe không nói gì, vẫy tay ra hiệu cho nó tiếp tục. Nó lại gật đầu, quẹt mũi, bước tới hai bước, lấy hơi, gõ thật mạnh cốc cốc cốc vào cánh cửa.

“Ông ấy đến đấy!”

Chúng tôi khom người, trốn sau cái ô tô gần đó. Cánh cửa mở ra, ông cụ nhìn quanh rồi cúi xuống, lát sau đứng lên, đóng cửa lại. Khi chúng tôi quay lại thì chiếc đĩa không còn ở đó. “Ông ấy có ăn không nhỉ?” Yamashita hơi lo lắng. “Biết đâu ông ấy lại hĩ là có độc thật.”

“Chắc chắn ông ấy sẽ ăn.” Wakabe nói. “Vẻ mặt ông ấy cho thấy thế mà.”

“Trông ngon lành thế cơ mà.” Tôi nói thêm. Yamashita ngồi phịch xuống. “Ôi! Tao tưởng tim tao ngừng đập luôn!”