- Trang chủ
- Top truyện
- Thể loại
- Truyện đã lưu
- Thêm truyện
Hiện tại Admin đang bán một số mẫu nước hoa để có thêm kinh phí phát triển Website, hy vọng được các bạn ủng hộ mua hàng TẠI ĐÂY. Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ. Xin cảm ơn rất nhiều!
Phật Khố Luân thấy cái bóng bò ra, sợ hãi giật mình. Chính lúc định hô hoán ầm lên thì nàng thấy một chàng thiếu niên cố gượng mãi mới cất được đầu lên. Mặt chàng nhợt nhạt, càng nhợt nhạt hơn dưới trăng. Nàng chú ý nhìn kỹ lại thì ra đó chính là Ô Lạp Đặc. Nàng bị xúc động mạnh, vội giơ cao ống tay áo lên che đôi môi thắm rồi lẳng lặng đứng nhìn.
Ô Lạp Đặc cố lết, vẻ mệt nhọc và đau đớn in hằn trên khuôn mặt xanh mét. Miệng chàng rên không ngớt. Toàn thân máu me bê bết áo quần rách toạc tả tơi. Chàng lết mãi, một lúc lâu mới tới được bờ suối. Chàng thấy nước, tỏ ý vô cùng mừng rỡ. Chàng giơ hai tay ra thọc sâu xuống dòng suối rồi vốc lên một vốc nước đưa vào miệng. Chàng uống liền một hơi mấy ngụm, thấy tinh thần sảng khoái phần nào. Chàng ngoảnh đầu lại chẳng ngờ thấy một trang giai nhân tuyệt thế đang đứng ở bân cạnh nhìn mình chăm chú. Chàng giật mình, tỏ vẻ ngạc nhiên đến cùng độ. Một lát sau, bình tĩnh trở lại, chàng vừa thở hổn hển vừa nói:
- Cô nương là người thôn Bố Nhĩ Hồ Lý phải không?
Phật Khố Luân chẳng tiện đối thoại với kẻ thù nên khẽ gật đầu tỏ ý xác nhận.
Ô Lạp Đặc thấy vậy, bèn cố gượng đứng dậy rồi lê bước về phía cô gái họ Cán. Phật Khố Luân cho rằng chàng định tiến tới để báo thù nên vội quay mình định bỏ chạy. Nhưng Ô Lạp Đặc biết ý, vội lên tiếng:
- Ô Lạp Đặc thân đã bị trọng thương, lại bị cô nương bắt gặp thì dù có muốn trốn cũng chẳng thoát được. Cô nương chẳng cần về báo động thôn xóm làm chi! Đặc này có một con dao, tại đây, xin cô nương hãy cắt đầu Đặc đem về làng, cô nương kiếm được chút công lao, còn Đặc này được chết dưới bàn tay một người đẹp như cô nương kể cũng đã mãn nguyện lắm!
Ô Lạp Đặc nói xong thò tay móc con dao, quăng xuống đất keng một tiếng. Thân hình của chàng đổ luôn theo. Phật Khố Luân nghe chàng nói càng tỏ lòng thương hại. Nàng lại thấy chàng đã ngã vật xuống đất, nằm sõng xoài chẳng cử động gì được. Trước tình cảnh đó, nàng tiến thoái lưỡng nan.
Nhưng chỉ một lát sau nàng thấy lòng mình se lại, vội bước lên mấy bước rồi cúi xuống vực chàng dậy, chẳng ngờ Ô Lạp Đặc bị thương khá nặng nên đã ngất đi từ lúc nào, trên vạt áo chàng một vệt máu lớn đã đóng váng gắn chặt vào vai. Những dòng máu tươi vẫn còn chảy ròng ròng không ngớt.
Phật Khố Luân bất giác xúc động: nàng bèn luồn tay xuống dưới hông Ô Lạp Đặc bế xốc chàng tới cạnh bờ suối gần đó rồi co một bên chân lại, đặt chàng xuống, gối đầu chàng lên đùi mình. Nàng nhè nhẹ cởi chiếc áo đã rách mướp của chàng rồi lấy tấm khăn vuông bằng lụa của mình, dấp nước suối lau rửa những vết máu bê bết quanh mình chàng. Nàng lại xé một mảnh áo của mình để băng vết thương. Ô Lạp Đặc nằm ngửa mặt lên trời. ánh trăng vàng chiếu sáng khuôn mặt anh tuấn của chàng càng làm cho nàng thêm động lòng chú ý. Hơi thở của chàng đều đều thổi lên má phấn mịn màng càng làm cho nàng thêm bâng khuâng mơ tưởng. Giữa lúc còn mải mê nhìn ngắm khuôn mặt tuấn tú đáng yêu của Ô Lạp Đặc thì bỗng nàng thấy chàng vặn mình một cái rồi kêu lên một tiếng: "ối chao!" và từ từ tỉnh lại.
Chàng thiếu niên anh dũng thôn Lê Bi Cốc mở mắt ra thấy mình nằm ngay trong lòng một giai nhân tuyệt sắc, bất giác mỉm cười. Phật Khố Luân lúc đó thẹn quá, lấy tay vội đẩy chàng ra và cố nhỏm dậy để chạy đi. Nhưng nàng không ngờ bàn tay trái của nàng đã bị nắm chặt, mặc cho nàng tìm đủ thiên phương bách kế để tháo gỡ cũng không tài nào thoát được. Muốn đi mà không được, nàng bỗng nổi cơn giận, vội cúi xuống lượm con dao rồi tiện tay chém thẳng vào cánh tay Ô Lạp Đặc.
Chàng thiếu niên họ Ô nhìn thấy rưỡi dao sáng quắc, thế mà không chút sợ hãi, chàng cố hất cao đầu lên, miệng vẫn ngọt ngào hỏi:
- Đến bao giờ tôi mới gặp lại cô nương! Tôi không biết lấy gì để cảm tạ tấm lòng quý báu của cô nương!
Phật Khố Luân nghe xong liền rụt tay dao, đáp:
- Chàng muốn gặp lại em ư? Trừ phi chàng tới được miếu Chân Chân!
Câu nói vừa dút, nàng bỗng cười lên mấy tiếng khanh khách vừa trong trẻo vừa duyên dáng, rồi giơ phắt tay ra, quay mình vụt biến vào lùm cây mất bóng.
Về phía đông núi Bố Khố Lý có một ngọn núi vách đá dựng đứng, uôn trượng, vòi vọi tận trời xanh.
Nếu từ thôn Bố Nhĩ Hồ Lý trông lên, ta thấy ngọn núi này in hệt cổ con lạc đà chênh vênh nghễu nghện giữa không trung. Do đó, dân làng mới gọi là mỏm lạc đà. Trên ngọn mỏm lạc đà này có một toà cổ miếu dân làng ai cũng muốn leo lên để ngoạn cảnh và viếng chùa. Nhưng khổ nối, đường thì đường ruột dê, vách thì vách đã dựng đứng, không có chỗ bám víu, hơn nữa tuyết lại tích quanh năm đầy nghẹt không biết đi lối nào mà lên. Cứ đến lúc giao thời xuân hạ, một ngọn thác mới bắt đầu chảy trắng xoá từ mỏm lạc đà xuống như một dải lụa trắng dài thẳng tới mãi đáy hồ. Dưới núi chính là thôn Bố Nhĩ Hồ Lý. Khi thác nước bắt đầu chảy thì nước hồ dâng lên cao, tràn ngập cả vùng, nhận chìm luôn cả con đường vào núi. Rồi mùa thu tới, bốn phương mây khói đầy trời, âm u mù mịt che kín khắp cửa động Đào Nguyên. Dân làng dù có tìm trăm phương nghìn kế, rút cuộc vẫn hiếm kẻ leo lên được tới nơi tới chốn. Bởi vậy, một toà cổ miếu cách chẳng là bao xả mà chỉ có thể trông chứ không thể đến. Do đó họ mới mệnh danh toà miếu này là Chân Chân miếu. Họ thường nói câu: "Anh muốn tìm em, trừ phi tới miếu Chân Chân". Đó là ý nói gặp nhau khó lắm, cũng khó như lên tới miếu Chân Chân trên mỏm núi Lạc Đà. Phật Khố Luân sở dĩ nói ra câu đó với Ô Lạp Đặc bất quá chi vì nàng với chàng hai người đã trở thành kẻ thù truyền kiếp, cho nên tìm gặp nhau là điều khó đến không bao giờ có được.
Lúc đó đã quá tháng sáu, thôn Bố Nhĩ Hồ Lý sớm đã phủ một màu thác trắng như bạc. Công việc đồng áng vừa xong, dân làng đều cưới ngựa vai mang cung tên, tìm đến những nơi bờ suối sườn non để săn bắn kiếm ăn. Ông Cán Mộc Nhĩ cũng mang theo năm bảy tay gia nhân lực lưỡng, ngày ngày vào dãy núi phía tây bắn diều hâu và săn hươu nai. Có một hôm ông bắn được một con mang, lấy dây đeo lên vai, miệng cười sằng sặc trở về nhà. Ba chị em Phật Khố Luân chạy ra đón cha, rồi đem con mang vào nhà sau cắt thịt nướng chả nhắm rượu với nhau. Lát sau, ông Cán ở trước sân mới ngửi thấy mùi thịt nướng thơm đến cháy mũi, vội chạy ra nhà sau thấy ba cô con gái đang nướng chả uống rượu, trò chuyện om sòm. Ông bèn lớn tiếng nói vọng ra ngoài:
- Này, bà con ơi! Vào đây! Vào đây! Bọn ta hãy vào đánh chén đã, nếu không thì chị em lũ này ăn hết mất.
Tiếng gọi vừa dứt thì có tới mười hai, mười ba người kéo vào, nào già trẻ nào trai nào gái, toàn gia quây quần tại bàn ăn, cười nói vui vẻ. Ăn uống đã lưng lửng bụng, ông Cán Mộc Nhĩ mới chỉ cô gái út Phật Khố Luân, vừa cười vừa nói:
- Con bé này này, nhỏ người mà tinh quái lắm! Mày lừa mọi người để đánh chén một mình. Mày chẳng biết cha mày với anh mày săn được một con mang đem về, vất vả gian nan biết bao ư? Lũ chúng mày trẻ nít chỉ biết có ăn chứ chẳng nghĩ tới ai cả! Hà! Hà! Hà!
Nghe cha nói có vẻ giễu mình, Phật Khố Luân làm ra vẻ bướng bỉnh, vênh mặt lên, quai mồm ra nói:
- Lũ trẻ nít làm sao? Cha bảo lũ chúng con không làm được việc gì ư? Vậy ngày mai, con sẽ cùng các chị con lên núi bắt một con mang về đây cho cha xem.
Ông Cán nghe con nói, cũng nghênh vẹo cái đầu sang bên trái rồi chảu mỏ ra, tỏ vẻ không tin hỏi:
- Thật hả?
Cô gái út trả lời ngay:
- Có gì mà chẳng thật, thưa cha!
Ông Cán càng tỏ vẻ hoài nghi cười rồi bảo:
- Đưa tay mày ra đây!
Phật Khố Luân không chút do dự, chìa ngay bàn tay ra để cùng cha bắt tay đánh cá. Cả nhà đang ăn uống, thấy câu chuyện "tân kỳ" đều ngưng đũa, cười vang rồi cùng nói với cái giọng nửa đùa nửa giễu:
- Bà con mình hãy để bụng chờ thịt mang của cô ba ngày mai nữa chứ? No rồi thì còn nhậu vào đâu được?
Sáng hôm sau, Phật Khố Luân nai nịt gọn gàng, mình mặc áo chẽn cộc tay, chân đi giày leo núi, cùng với hai chị cưỡi trên lưng ba con ngựa đốm hoa đào, đem theo mấy con chó săn khôn lẹ, phi nhanh vào rừng. Khi đã vào tới sườn núi họ nhảy xuống, cột ngựa vào mấy gốc cây khô bên đường: mỗi người đem theo một con chó, kẻ sục sạo hướng tây, người tìm kiếm về phía đông. Trên mặt đất phủ tuyết trắng xoá, không biết cơ man nào là dấu chân sói chứng tỏ đàn sói đông lắm vừa mới đi qua. Cô chị cả Ân Khố Luân bảo hai em:
- Này hai em. Bọn ta phải đề phòng cẩn thận. Vùng này vừa có một đàn sói kéo qua, dấu chân còn in rõ mồn một trên tuyết. Bởi vậy, bọn ta không nên đi xa nhau, phải ở gần nhau luôn mới được!
Phật Khố Luân tuy miệng luôn vâng dạ, tỏ ý nghe theo lời chị, nhưng vẫn cúi đầu xuống tìm vết thú. Một lúc sau, nàng thấy con chó của nàng ngửa mặt lên trời, kêu một tiếng lớn xong chạy như bay về phía chân đồi, tới một cửa hang mở toang hoác ở dưới chân vách đá, rồi dùng hai móng cẳng trước cào tới như điên. Nàng vội chạy theo sau.
Biết chắc trong hang có dã thú nấp, nàng quay lại lấy tay ngoặc hai chị. Chính Khố Luân và Ấn Khố Luân vội chạy tới, thấy trong vách có ba cái hang nhưng cái ở mé tây thì lớn hơn. Hai nàng cởi mấy cái lưới thú đeo bên sườn ra, chăng kín cửa hang lớn rồi lấy sào chọc vào trong hai cái hang nhỏ.
Bỗng có đến sáu bảy con thỏ rừng nhảy ra khỏi hang, nhào vào mấy cái lưới, xông bên này, húc bên kia lung tung, cuống quýt nhưng làm sao mà thoát được. Ba chị em Phật Khố Luân sung sướng đến phát điên lên được.
Tức thì không ai bảo ai, cô út lấy tay giữ chặt lấy lưới, cười như nắc nẻ, cô hai thò tay vào bắt từng con bỏ vào cái đậy lớn mà cô chị cả đang cầm banh cái miệng rộng toang hoác ra. Bắt thỏ xong, các cô hí hửng, khoan khoái lắm. Chính Khố Luân như nghĩ ra điều gì, tỏ ý chưa thoả mãn nên đề nghị:
- Bọn ta tuy bắt được một đàn thỏ, nhưng em ba ở trước mặt ba đã bạo miệng nói phét là sẽ bắt được một con mang như con mang hôm trước đem về. Tôi xem ra mang là giống thú rất nhát, bởi vậy bọn ta phải vào những nơi núi vắng lặng thì may ra mới thấy chúng.
Ấn Khố Luân nghe xong liền nói:
- Em hai nói có lý lắm!
Phật Khố Luân nói:
- Đã nói như vậy thì bọn ta sợ gì mà không tới chân mỏm Lạc Đà tìm chúng một phen?
Thế là ba cô chẳng ai bảo ai vội chạy xuống sườn đồi nhảy lên yên ngựa vòng một vòng hết eo núi thì đã thấy mỏm Lạc Đà cao vòi vọi trước mắt, bên dưới là hồ nước của thôn Bố Nhĩ Hồ Lý. Nước hồ lúc đó đã đóng lại thành băng. Ba cô cho ngựa đi quanh ven hồ, khi đến mút đường thì thấy lối trèo lên núi cong queo ngoằn nghèo. Thế núi càng lên càng hiểm trở, lại thêm băng tuyết đầy nghẹ cả hố hốc, khiến đường đi lối lại càng khó khăn hơn. Cả bọn bỏ ngựa đi bộ, nắm dây, vịn cành mà đi ngược lên. Đi một lúc, ba cô mệt nhoài, thở hổn hển. Bỗng thấy một đàn ưng bay vụt qua, Chính Khố Luân vội kêu cô chị Ấn Khố Luân:
- Kìa chị, bắn mấy con ưng đi!
Ấn Khố Luân lúc đó cũng đã trông thấy, vội rút tên, giương cung bắn vút một phát lên không; tức thì con ưng trúng tên lăn nhào xuống đất. Chó của nàng thấy chủ hạ được con ưng, thì kêu lên "ẳng ẳng" rồi co giò chạy như bay tới ngoặt lấy đem về.
Ba chị em họ Cán lúc đó thấm mệt, chọn một tảng đá lớn bên đường ngồi xuống nghỉ chân, vừa nói chuyện vãn vừa giở gói lương khô ra ăn. Phật Khố Luân thấy mũi tên xuyên qua đầu con ưng liền tấm tắc khen tài thiện xạ của chị. Nàng còn bảo thêm, chả trách chồng chị cứ hễ thấy chị là sợ hết vía lên thì phải!
Giữa lúc nói chuyện vãn đó, Chính Khố Luân bỗng nhìn thấy một con chồn đang men theo vách núi chạy tới. Nàng vội giật chiếc cung trong tay chị rồi rút tên, bắn một phát trúng ngay giữa sống lưng con chồn, chồn bị thương quằn quại trên vũng máu, chó ta chạy tới ngay từ lúc nào, ngoặt cố nó đem về cho chủ. Phật Khố Luân thấy hai chị người thì được chim, người thì được thú thì khoái chí la lên:
- Tốt lắm! Hai chị chuyến này đều đã có lời rồi chỉ còn em là chưa có cái gì thôi.
Nàng chưa nói xong thì đã nghe tiếng mang kêu gần đấy.
Nàng liền vỗ tay reo lên mà nói:
- Hay quá! Chuyến này thì em phải nhập phần với hai chị!
Nói đoạn, nàng đứng phắt dậy, nách kẹp cung tên, vội chạy vòng ra sau triền núi, chẳng thèm đợi hai chị. Ân Khố Luân ở đằng sau kêu mà nàng cũng chẳng đáp. Chính Khố Luân thấy nàng đã đi xa bèn vội vàng đuổi theo, chỉ có mình Ấn Khố Luân rớt lại sau, đường núi vừa trơn vừa gập ghềnh khó đi, nàng phải chú ý đếm từng bước. Đi một lúc nàng nhìn về phía trước, cố tìm hình bóng hai em mà chẳng thấy. Khi vừa tới eo núi, nàng bỗng nghe thấy tiếng kêu khóc của cô em thứ hai. Nàng giật mình kinh hoảng, vội chạy về phía trước, chỉ thấy Chính Khố Luân vừa bò vừa nhảy trên sườn núi vách đá dốc dựng ngược lên. Nàng thấy vậy càng kinh hoảng, trống ngực đánh thình thình, đôi chân cơ hồ như mềm nhũn ra.
Nguyên tại, Phật Khố Luân khi đến giữa lưng chừng núi thì bị một con cọp lớn lông vàng vằn đen, táp một miếng vào hông rồi nhấc lên đem tắp vào trong rừng rậm, cây cối um tùm. Con chó sợ cọp cũng hoảng hồn bạt vía, quắp đuôi, theo rều rều đằng sau Chính Khố Luân, chân đi xiêu bên này vẹo bên kia mà miệng thì la ăng ẳng. Con mãnh thú chỉ trong nháy mắt đã mang Phật Khố Luân chui tọt vào rừng sâu mất hút. Ấn Khố Luân chỉ còn có nước kêu trời rồi oà khóc rống lên.
Lúc đó nàng đã đuổi kịp Chính Khố Luân. Hai chị em liều mạng theo vào rừng, kiếm khắp mọi nơi nhưng tứ bề vắng ngắt, chẳng thấy tung tích cô em út đâu cả, cũng chẳng nghe được một tiếng la, tiếng rên, tiếng khóc của nàng. Họ theo dõi dấu chân còn in hằn trên tuyết, thì thấy chỗ cô em út bị con mãnh thú vồ cả một vùng rộng lớn đầy rẫy nhưng dấu chân. Họ theo dõi đến mé tây khu rừng thì bỗng mất dấu, không còn biết đường nào kiếm thêm nữa. Hai chị em vô cùng hoang mang, vừa khóc vừa kêu em, chạy hết chỗ này sang chỗ khác mà tuyệt vô âm tín. Trời lại gần tối mà tìm mãi, không thấy vẫn hoàn không thấy.
Chính Khố Luân trong lòng hoảng loạn, hét lên một tiếng rồi co chân định gieo mình xuống chân núi, may nhờ có Ân Khố Luân nhanh mắt, vội nhảy tới chụp lấy em, giữ lại được.
Hai chị em chẳng còn cách nào hơn là quay xuống núi về nhà, lòng đau khổ vô cùng tận. Tới nhà thì trời đã tối mịt, hai chị em đem hết tình tiết ra kể cho cha và mọi người nghe.
Thế là cả nhà oà lên khóc thảm thiết. Bà mẹ thương con khóc đến ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy, bà hối thúc chồng đem gia nhân lên núi tìm con ngay trong đêm đó. Ông Cán Mộc Nhĩ càng thêm hối hận vì tại mình cá với con nên mới xảy ra chuyện thương tâm. Ông không dám trái ý vợ, vội kêu một số đông gia nhân, kẻ cầm thương, kẻ vác đao, kẻ đất đuốc, người xách đèn lồng, sửa soạn để vào rừng tìm kiếm…