Khi ngự chủ về tới Đồn Châu, Càn Long bảo dừng thuyền.

Bọn quan địa phương lũ lượt kéo đến thỉnh an.

Sau khi bọn họ ra đi, hoàng đế truyền cho đám phụ lão trong làng lên thuyền.

Ngài đích thân hỏi thăm nào phong tục tập quán, nào lúa gạo mùa màng.
Giữa lúc đang hỏi han, ngài bỗng thấy một nhà sư già dắt một đứa bé trai độ năm sáu tuổi lên thuyền, quỳ xứng và dập đầu mãi không thôi.

Người trên thuyền thấy vậy, ai cũng lấy làm lạ.

Càn Long hoàng đế cho viên thái giám tổng quản bước tới hỏi.

Nhà sư già bèn nói:
- Bần tăng tên gọi Viên Châu.

Năm đó Tứ hoàng tử Đa La Lý Đoạn quận vương Vĩnh Thành vốn chơi thân với bần tăng.

Khi quận vương còn tại thế, bần tăng thường được triệt vào trong phủ đàm kinh thuyết đạo.

Nay quận vương đã chết, bần tăng bèn xuất kinh trụ trì tại chùa Minh Thánh thuộc Đồn Châu.

Em bé này chính là con đẻ của quận vương và tức cũng là cháu đích tôn của đương kim hoàng đế.

Chỉ vì cảnh gia biến nên phải lưu lạc bên ngoài và bần tăng đã thu dưỡng lâu nay.

Vừa lúc nghe nói thánh giá tuần du qua đây, bần tăng trộm nghĩ em bé này là quý tử long tôn, không nên bỏ rơi bên ngoài.

Bởi vậy bần tăng đem em bé này giao lại để hoàng thượng đưa em về kinh, khỏi phụ niềm giao tình với quận vương năm trước!
Câu chuyện này tới một cách ly kỳ đột ngột, viên thái giám tổng quản nghe nói cậu bé nọ là hoàng tôn, nên chẳng dám chậm trễ vội chạy vào tâu rõ với hoàng thượng.

Càn Long hoàng đế nghe xong cũng lấy làm kỳ lạ hết sức.

Ngài liền truyền cho cậu bé nọ bước vào trong khoang.


Ngài để ý cậu bé thấy mặt to, tai lớn, cử chỉ ung dung, ăn nói đàng hoàng nên nhất thời cũng chẳng phân biệt được thực hay giả.

Ngài bèn truyền chỉ đưa cậu bé và cả nhà sư nọ về kinh để xét hỏi.
Khi về tới kinh.

Ngài bèn giao việc này cho Hoà Khôn.
Khôn trở về phủ, trước hết đem cậu bé ra hỏi.

Cậu bé, với một giọng rõ ràng rành mạch, nói:
- Từ lúc nhỏ tôi được nuôi nấng trong chùa của Hoà thượng Viên Châu, nhận người là cha đẻ.

Đến khi lên năm, hoà thượng Viên Châu lúc đó mới nói cho biết rằng tôi vốn là con của quận vương Đa La Lý Đoan.

Chỉ vì là con của Trắc phúc tấn (vợ bé của quận vương đời Thanh) nên Đại phúc tấn (bà vợ cả) lúc nào cũng tìm cách giết tôi.

Do đó hoà thượng Viên Châu mới đem tôi về nuôi dưỡng tại chùa.

Nghe hoà thượng nói như vậy, tôi biết rằng mình chính là hoàng tôn (cháu nội Đương kim hoàng đế) cho nên thường nói với người cho tôi lên kinh để được gặp Hoàng tổ phụ.

Nhưng hoà thượng Viên Châu gạt đi và bảo: chôn chín bệ sâu thẳm làm sao mà tới được, cần phải đợi hoàng thượng Nam tuần lần sau, đến Đồn Châu, lúc đó người mới đưa tôi đi được.

Nay Hoàng tổ phụ dẫn tôi tới kinh rồi, vậy xin nhờ quý đại thần giúp tôi tâu rõ lên hoàng thượng giùm để cho tôi về nhà.
Hoà Khôn nghe nói một thôi lại nhìn thần sắc của cậu bé, nhất thời không đoán ra thực hay giả.

Khôn đành giữ cậu bé lại trong phủ.

Đến lượt hoà thượng Viên Châu, Khôn cho gọi vào để hỏi.

Nhà sư liền nói:
- Lúc còn sinh thời, quận vương coi bần tăng như một người tri kỷ.

Ngài thường truyền cho bần tăng vào phủ đàm đạo tham thiền, đánh cờ, uống rượu.

Ngài lại đem những chuyện trong nhà ra nói với bần tăng.

Nguyên lai quận vương có hai bà phúc tấn: một là Chính phúc tấn, hai là bà Trắc phúc tấn.

Bà Chính vốn con gái Phong bối lặc, mặt mày tuy xinh đẹp nhưng tính tình hết sức tàn ác.

Bà Trắc tên gọi Bích Ngọc, con nhà thường dân, hay bị bà Chính ngược đãi.

Quận vương thấy thế nhiều lúc khuyên can, nhưng chẳng những chẳng được gì mà còn bị bà Chính nhục mạ ngay vào mặt.

Do đó quận vương hết sức bực tức và chỉ biết thở than với bần tăng.

Bần tăng chỉ biết khuyên quận vương nên nhẫn nhịn là hơn, trước những việc nơi khuê phòng.

Vài năm sau Trắc phúc tấn sinh hạ công tử.

Chính phúc tấn biết chuyện, lại càng căm thù ghét.

Bà nhè lúc quận vương có việc phải đi xa bèn bảo một con a hoàn lẻn bế cậu bé ra khỏi phủ, ý muốn ném ra ngoài đồng hoang bỏ cho chết đói.

May thay lúc đó bần tăng vừa tới cổng phủ thấy thế bèn cầu xin con a hoàn cho đem cậu bé về chùa cạo đầu đi tu làm một chú tiểu.

Con a hoàn quay vào nói với bà Chính thì bà ta cũng ưng chịu nên một mặt bảo bần tăng lén bế đem đi rồi báo với Tôn nhân phủ (chuyên coi việc của gia tộc nhà vua) rằng cậu bé đã chết vì lên đậu.

Rồi đến Trắc phúc tấn cũng bị bà Chính đuổi đi mất.

Đến khi trở về, quận vương chẳng thấy hai mẹ con bà Trắc đâu, liền nổi uất, hộc máu ra chết tươi.

Bần tăng nghĩ rằng hậu thân của quận vương chỉ còn cậu bé này, nó lại còn là cháu đích tôn của hoàng thượng, cho nên mới trả về để cho cốt nhục được đoàn viên.

Bần tăng vốn giao hảo với quận vương, tuyệt nhiên không cô một ý nghĩ tham lam nào khác, mà chỉ xin đại nhân sớm soi xét minh bạch để bần tăng lại được trở về chùa.
Hoà Khôn được khẩu cung của hai người vội chạy vào cung tâu lại.

Càn Long hoàng đế thấy nhà sư thuật lại bản án cũ, trong lòng có đôi phần bối rối, vội chạy vào trong thâm cung bàn tính với Xuân A Phi.
Nguyên Xuân A Phi chính là đại phúc tấn của Đại La Lý Đoan quận vương nay đã được hoàng đế đem về và phong cho làm phi tử để trong thâm cung, hết sức sủng ái.

Vào lúc đầu Tôn nhân phủ tấu báo Vĩnh thành quận vương sinh hạ một cậu công tử thì Càn Long hoàng đế mừng lắm.


Sau được tin công tử bị lên đậu mà mất thì ngài cũng rất lấy làm buồn, Ngài nghĩ tới cảnh hoàng tự (con nối dài của vua) đơn chiếc, nên cho gọi quận vương vào cung hỏi hoàng tôn bị lên đậu mất như thế nào.

Vĩnh Thành quận vương hồi tấu là khi hoàng tôn chết thì vương có việc phải đi xa, sự thực như thế nào vương không được thấy rõ, nên không dám tâu bừa và chỉ có nàng Xuân A mới biết chuyện cặn kẽ.

Đến khi Đại phúc tấn của quận vương Vĩnh Thành được truyền vào cung, Càn Long hoàng đế thoạt nhìn thấy đã ngây người ra.

Đại phúc tấn mặt hoa da phấn, cử chỉ phong lưu, quả là một trang giai nhân tuyệt thế.

Khi nói chuyện, miệng lưỡi nàng vô cùng lanh lẹn, môi cười mắt liếc, càng làm cho vị phong lưu thiên tử thần hồn điên đảo, lạc vào mê hồn trận.

Càn Long hoàng đế thấy tiếng nói giọng cười của nàng y hệt như của người đẹp Hương phi thuở nọ, thế là ngài quên luôn cả danh phận nàng dâu bố chồng, tự nhiên đâm ra yêu thương nàng một cách tha thiết.
Đại phúc tấn Xuân A vốn là một người đàn bà thông minh xảo quyệt, thấy hoàng đế có thái độ như vậy liền tung ngay thủ đoạn mê hồn ra.

Nàng đưa một đường xảo ngữ hoa ngôn, nhoẻn cười liếc mắt, chỉ trong chốc lát đã nắm gọn hoàng đế trong tay mình.
Càn Long hoàng đế nghe Xuân A nói đoạn bèn bảo với Quận vương:
- Cô nàng dâu này của trẫm nói chuyện quả hay thật.

Nàng giống hệt như Anh Kha ở trong cung khiến mọi người quên cả mệt mỏi khi trò chuyện.

Ngươi hãy cho nàng vào cung, thái hậu đang thiếu một người bầu bạn chuyện trò cho bà được vui vẻ, tiêu khiển, được thế trẫm cũng tỏ ra là người con hiếu thảo, và ngươi cũng là một đứa cháu ngoan.
Vĩnh Thành quận vương tuy biết rõ hoàng đế không có ý tốt, nhưng chẳng còn nói cách nào, đành để Đại phúc tấn của mình ở lại trong cung, lùi lũi trở về nhà.

Thế rồi vương nghĩ tới cảnh con chết vợ xa, trong lòng buồn bã chẳng vui.

Chẳng mấy hôm, Vương sinh chứng thổ huyết, hộc máu ra rồi chết.
Sau khi Vĩnh Thành quận vương chết, nàng Xuân A được thăng lên làm phi tử.

Hoàng đế ngày ngày tìm vui hưởng lạc bên cô nàng dâu vừa mới chết chồng, tha hồ mà đi mây về mưa.
Giữa lúc hai người đang âu duyên mới thì hoàng tôn xuất hiện.

Càn Long hoàng đế trong lòng ít ra còn nghĩ đến thâm tình cất nhục, nên mới chạy tới bàn tính với Xuân A Phi.
Xuân A Phi một lời quyết định:
- Bệ hạ dẹp nó đi! Việc xảy ra đã lâu, sự thể thật giả như thế nào làm sao mà biết được.

Ví thử có thật đi chăng nữa, thì rồi đây, một ngày nào đó, quận vương kế tự lớn lên, biết thiếp còn ở trong cung, ắt đem lòng thù hận, vì mẹ báo thù.

Lúc đó bên ngoài đồn đại, hoàng thượng thế nào chả có điều phiền nhiễu.

Nếu bệ hạ quyết nhận hoàng tôn, thì xin bệ hạ cho thiếp một chết, chẳng còn mặt mũi nào hầu hạ ngài nữa.
Nói đoạn Xuân A Phi che mặt khóc nức nở.

Hoàng đế vốn hết sức sủng ái Xuân A Phi nên khi thấy nàng khóc, ngài thấy lòng đau như cắt.

Ngài vội kéo nàng vào lòng, vỗ về an ủi.
Qua ngày hôm sau, Càn Long hoàng đế cho gọi Hoà Khôn vào cung.

Ngài bỗng thay đổi vẻ mặt, hết sức lạnh lùng nghiêm nghị, dằn mạnh từng tiếng:
- Hoàng tôn của trẫm đã chết cách đây bảy năm.

Tôn nhân phủ đã ghi rõ cả và có thể tra xét được.

Bỗng ngày nay lại có một tên hoàng tôn xuất hiện, vậy thì chuyện này ắt do gian tăng muốn phỏng theo chuyện cũ Tống Minh để mưu cầu phú quý.

Khanh nên truyền tập họp bọn quan viên hình bộ lại, lập ngay toà án đặc biệt thẩm vấn cho rõ ràng, đừng để cho đứa tiểu nhi quê mùa mạo nhận cốt nhục của hoàng gia.
Hoà Khôn nghe xong lời phán đoán, lòng đã rõ ý hoàng đế.

Khôn vội ra khỏi cung, tuyên bố ý chỉ của ngài.

Qua ngày hôm sau quan Hình bộ ngồi chánh thẩm, cho mời bọn quan viên Đại học sĩ, Đô ngự sử ngồi bên bồi thẩm.

Công đường thiết lập tại cửa Kiều Thanh môn.

Trong căn nhà trống không, rộng rãi về phía tả, có Hoà Khôn và Lưu Thống Huấn hai vị đại học sĩ ngồi giữa cao chót vót.

Còn hai bên thì đủ mặt nhân viên lục bộ.

Hình bộ có một vị Kính chương tên gọi Bảo Thành nói năng hoạt bát, tính tình lại giảo hoạt.

Hoà Khôn biết Thành là người biến báo nên uỷ cho làm quan chánh thẩm, ngồi trước công án của phiên toà.

Một lát sau người ta thấy đưa vào một nhà sư già và một cậu bé.

Bảo Thành chiếu lệ đem thẩm vấn lại tung tích của hai người một lượt rồi đứng dậy quay mặt về phía trên nói:
- Thưa quý vị đại thần, theo nhận xét của ti chức thì vụ này có nhiều nghi vấn.

Nếu quý vị đại nhân cho phép thẩm vấn thì ti chức có thể tìm ra manh mối của vụ án này một cách đầy đủ.
Hoà Khôn nghe Bảo Thành nói như vậy bèn sẽ gật đầu đáp ứng.

Bảo Thành quay mặt lại quát lớn:
- Quân bay! Bắt tên yêu tăng điệu ra ngoài kia mau!
Hai tên sai dịch hung dữ như báo, tàn ác như cọp, nhảy xông vào túm cổ nhà sư già kéo thốc ra phía ngoài.

Lúc đó Bảo Thành mới thong thả bước tới giáng mạnh hai cái bạt tai vào mặt cậu bé khiến nó sợ quá oà lên khóc.
Bọn quan viên khắp phòng thấy thế hoảng kinh thất sắc, chỉ nghe tiếng Bảo Thành lớn tiếng hỏi:
- Mi là thằng bé nhà quê nào nghe lời dối trá của yêu tăng dám cả gan vào chốn triều đình mạo nhận hoàng tôn? Như thế là mi đã vào tội chết.

Nếu mi không khai rõ ra đây, ta sẽ chém phứt cái sọ cái của mi.
Nói đoạn Thành giơ cao cây đoản đao, kề ngay cái lười sắc bén vào cổ cậu bé.

Cậu bé hoảng quá, một mặt kêu rầm lên, một mặt lắp bắp nói:
- Tôi vốn chẳng biết thế nào là hoàng tôn.

Tôi chỉ biết nhà sư là cha tôi.

Lúc năm tuổi, tôi chỉ nhớ nhà sư thường chỉ tôi bảo với nhiều người khác rằng tôi họ Lưu.

Như vậy tôi vốn con nhà họ Lưu chứ đâu có phải là hoàng tôn.

Tôi chẳng biết hoàng tôn là có nghĩa lý gì.

Nhà sư có bảo tôi cứ tới nhà hoàng thượng thì sẽ được đọc sách và làm quan, có cơm có rượu, mặc quần áo đẹp, khi ra ngoài có ngựa có xe, có người hầu kẻ hạ.

Nay các ông chẳng cho tôi cưỡi ngựa, đi xe, lại muốn cầm đao giết tôi, tôi chẳng thèm làm hoàng tôn nữa.

Xin các ông tha cho tôi ra, để tôi cùng nhà sư trở về chùa cho sớm.
Cậu bé nói xong lại hu hu khóc lớn.

Nhiều quan viên trên công đường thấy tình cảnh đáng thương, đều muốn giúp cậu ta tỏ nỗi oan khuất nhưng lại sợ uy thế của Hoà Khôn nên không dám nhiều lời.

Bảo Thành thấy cậu bé cung khai xong, trong lòng lấy làm đắc ý.

Y liền quay đầu, lại hướng mắt về công đường cười nói:
- Quý đại nhân nghe rõ đấy chứ? Hắn đâu có phải là hoàng tôn mà chi là thằng bé nhà họ Lưu.

Vậy ti chức thầm vấn đã rõ ràng, xin quý vị đại nhân định án.
Lưu Thống Huấn lúc đó ngồi trên công đường, không nhịn được nữa bèn đứng dậy nói:
- Cái án này thong thả hãy định.

Thử hỏi đứa bé vài ba tuổi dưới sự uy hiếp đó thì bảo gì mà nó chả nói.

Huống hồ, theo lời nhà sư nói thì đứa bé này mới sinh ra được vài tháng đã bị bế ra khỏi phủ, thì thử hỏi làm sao mà biết mình là hoàng tôn hay không.

Đừng nói đứa bé này tự mình không biết chuyện mình, đến ngay cả bọn mình đây sống đã mòn đời mà những chuyện cha mẹ sinh dưỡng ra sao cũng không biết nữa là.

Cứ theo ý kiến của bản chức thì vụ án hôm nay nếu không đem nhà sư nọ thẩm vấn thì không được.
Hoà Khôn nghe lời Lưu Thống Huấn nói xong lấy làm e ngại, bèn lạnh lùng nói:
- Quý đại thần nếu không sợ phiền thì cứ xin cho truyền nhà sư nọ vào, có hề chi!.