Lại nói Lý Văn Thành chiếm được Hoạt huyện.

Được tin Lâm Thanh đã chết, bèn triệu tập một vạn đồ đảng rùng rùng khởi loạn suốt một giải Sơn Đông, Hà Nam, nói để báo thù cho Thanh.

Thành ỷ có sông Vận Hà vận chuyển lương thực dễ dàng tiện lợi nên đóng quân suốt dọc sông này, chống chọi với quan quân của triều đình.

Tổng đốc Trực Lệ là Ôn Thừa Huệ, tuần phủ Hà Nam là Cao Dĩ đem quân đánh, đều bị Thành đả bại tơi bời.

Gia Khánh đế bèn hạ chỉ sai tổng đốc Thiểm Cam là Na Ngạn Thành đem quân Sơn Đông và Hà Nam đi tiêu diệt giáo đồ.
Na Ngạn Thành có một vị phó tướng tên Dương Ngô Xuân, hết sức kiêu dũng, đã nhiều lần chinh đông dẹp tây, khiến các giáo đồ thấy đều sợ hãi.

Xuân có ba chòm râu dưới cằm nên thường được gọi là "Tướng Râu".

Và mỗi lần nghe nói tướng râu tới là cả bọn ai cũng lo tháo thân trước.

Về sau lại có thêm tướng Dương Phương cũng đem quân từ Thiểm Tây tới để trợ chiến.

Hai vị tướng họ Dương này đã lấy lại được nhiều thành trì, giết chết đến hơn hai vạn giáo đồ Bát Quái Giáo.
Lý Văn Thành chạy trốn tới gò Bạch Thổ cương thì bị phục binh tứ phía bao vây.

Thành biết mình trúng kế, tính mạng khó toàn, bèn đốt một đống lửa tự thiêu chết.

Từ đó, ba tinh Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam mới được yên.
Gia Khánh đế nghĩ tới chuyện đáng sợ vừa qua của các giáo đồ, bèn hạ chiếu: "Từ nay về sau, bất luận tôn giáo nào, nhất luận đều bị nghiêm cấm".
Hồi đó, có viên tri huyện huyện Dương được tin một vị giáo sĩ người nước Anh truyền đạo tại huyện mình, chẳng hỏi ba bảy hai mươi mốt gì, bắt ngay đem về thắt cổ chết.

Thế là vua nước Anh cáu tiết, phái luôn một lúc mười ba chiếc tàu binh tới chiếm Áo môn.

Tổng đốc Lưỡng Quảng Hùng Quang hoảng lên, cấp báo về kinh.

Gia Khánh đế hạ chỉ bảo Quang phong cấm đường thuỷ, đoạn tuyệt lương thực địch.

Quả nhiên, quân Anh không thể giữ mãi, đành quay về Ấn Độ.
Cũng hồi đó, trên mặt bể mấy tỉnh Giang Chiết, Lưỡng Quảng thường có một bọn cướp bể xuất hiện.


Hoàng đế hạ chỉ cho các tỉnh duyên hải huấn luyện thêm hải quân, đóng nhiều binh thuyền, tăng cường tuần thám trên biển.

Ngài cũng nghiêm cấm tàu bè ngoại quốc chở thuốc phiện lậu.

Mỗi khi tàu cập bến, tức thì đóng cửa, nghiêm ngặt khám xét, bắt được hai trăm cân trở lên đều được thưởng.

Bởi thế bọn nhân viên kiểm nã càng sưu tra gắt.

Thuyền bè ngoại quốc không dám cập bến nữa.
Gia Khánh đế lúc này thấy trong ngoài đã thái bình, bèn có ý xuất kinh tuần thú.

Thế là ngài lên đường vào tháng ba năm đó.

Tới Ngũ Đài sơn hồi tháng năm, rồi ngài từ Ngũ Đài sơn trở về.

Ngài lại tuần hành Nhiệt Hà tránh nóng.
Tại vùng Nhiệt Hà ngài có toà sơn trang nghỉ mát một mặt tựa vào núi, ba mặt kề mép nước, xây cất rất là tân kỳ tráng lệ.

Gia Khánh đế ở tại nơi đây, cứ nghĩ tới những chuyện phong lưu thú vị của các đời vua triều trước mà khoái thích.
Từ khi tịch biên hết gia sản của Hoà Khôn, ngài tỏ ra rất khoan khoái thư thái.

Ngài vốn nổi danh là một vị vua tiết kiệm trong lịch sử, nhưng hoàng đế lúc tuổi già, bỗng nghĩ tới cái cảnh "nhân sinh kỷ hà" thì làm sao chả thèm muốn cái chuyện "vớt vát".

Ngài bèn truyền lệnh ngầm cho nội vụ đại thần tới Giang Nam, tìm kiếm vật liệu để xây cất ngay tại đây một khu nghỉ ngơi cho ngài.
Lúc này, Gia Khánh đế đã lập thêm mấy bà phi nữa.

Ngài tìm vui hưởng thú suốt ngày trong vườn với người đẹp.

Chẳng bao lâu, đại thần trông coi việc tìm kiếm vật liệu trở về, đem theo mô hình của toà Kính Hổ đình.

Nó vốn là tác phẩm của hai vợ chồng Vương Sâm do tuần phủ Chiết Giang bảo làm.
Nay nghe hoàng đế có ý xây cất đền vũ, tuần phủ Chiết Giang bèn đem dâng mô hình toà đình này và sai cả hai vợ chồng Sâm lên Nhiệt Hà nữa.

Mặt khác, ông còn dâng lên một bản tấu chương ca tụng tài nghệ kiến trúc của vợ chồng Vương Sâm, đồng thời xin hoàng đế cho họ đứng coi chương trình kiến tạo viên đình đó.
Gia Khánh hoàng đế bảo đem mô hình ngôi đình lên cho ngài xem.

Một tên nội giám bưng lên một cái hộp, bên trong đặt ngôi đình nhỏ xíu.

Hoàng đế xem xét kỹ lưỡng, quả thấy ngôi đình kiến trúc cực kỳ tinh xảo: ngói bằng pha lê, cột bằng thuỷ tinh, tường chung quanh bốn mặt gắn hàng mấy vạn miếng kính nhỏ, lấp lánh hào quang.

Ở giữa đình đặt một chiếc giường bằng ngà voi, chung quanh cẩn những miếng kính lớn.
Gia Khánh đế xem xong, tấm tắc khen đẹp.

Ngài lại truyền lệnh cho hai vợ chồng Vương Sâm vào bệ kiến, viên thái giám hồi tâu nói hai vợ chồng Vương Sâm vì không có công danh gì nên không dám vào.

Gia Khánh đế tức khắc thưởng cho Sâm áo mũ hàng thất phẩm.

Hai vợ chồng Vương Sâm ăn mặc tề chỉnh rồi mới rón rén bước vào, bò mọp dưới đất.

Sâm thấy hoàng đế, người bỗng run bắn lên như bị sốt, còn vợ Sâm thì cúi đầu quỳ lạy một bên.
Gia Khánh đế ngắm nhìn vợ Sâm thấy nàng yểu điệu duyên dáng, da trắng, má đào, bỗng thấy trong người xúc động bâng khuâng.

Ngài bảo ngẩng đầu lên và thấy nàng quá đẹp, lông mày cong, cặp mắt lóng lánh như sóng nước mùa thu, miệng xinh, mũi dọc dừa, phảng phất mùi hương phấn.

Ngài nhủ thầm: trong cung nội, không biết bao cung tần mỹ nữ, thế mà chẳng có ai đẹp bằng nàng.

Bỗng mắt ngài sáng lên, mặt tươi như hoa.

Ngài vừa cười khì khì vừa hỏi nàng họ gì thì nàng nhỏ nhẹ tâu họ Đổng.

Ngài lại hỏi nàng lấy chồng đã bao lâu thì Đổng thị đáp: đã bốn năm.

Lại hỏi: mô hình toà Kính Hổ đình có phải là do hai vợ chồng làm ra không, thì nàng đáp: mái ngói, cột tường thì do chồng nàng làm, còn điêu khắc cẩn khảm là do nàng làm.

Gia Khánh đế khen cả hai người tài nghệ khéo léo, sau đó sai cho đưa Vương Sâm vào xảo nghệ viện chờ đợi sai khiến.

Còn Đổng thị thì ngài cho đưa vào nội đình để làm cung phụng nữ quan.
Trong hoàng cung có một bọn cung phụng nữ quan, chuyên việc khâu vá, viết vẽ, điêu khắc những đồ nữ công tinh xảo.


Làm chức nữ quan này, phần lớn là người Hán.

Từ khi vào nội uyển, Đổng thị chẳng phải làm gì, chỉ suốt ngày hầu hạ hoàng đế du ngoạn quanh đảo mà thôi, Đổng thị thực tâm chẳng có ý muốn hầu hạ hoàng đế, nhưng nàng biết trong cung cấm có bướng bỉnh cũng chẳng ích gì.

Thấy tính tình Hoàng đế hết sức ôn nhu, bữa nọ nàng vừa khóc vừa xin ngài cho nàng ra thăm chồng một bữa.

Ngài cười và vỗ về nàng:
- Nàng hãy chịu khó ở nơi đây một năm rồi trẫm sẽ cho người đưa nàng về nhà.
Lại hỏi nàng:
- Nàng ở Giang Nam đã được nhìn thấy Tây Hồ chưa?
Đổng thị đáp:
- Tây Hồ chính là quê của tiện thiếp, làm sao lại chẳng thấy?
Thế là hoàng đế sai nàng làm một cái mô hình Tây Hồ mười cảnh, từ đó nàng ở trong cung nhào đất, nặn bủn, tỉ mỉ khởi công sáng tạo tác phẩm của mình.

Hoàng đế hằng ngày ngồi ở bên cạnh xem nàng làm, cũng có khi ngài pha thuốc màu, nhào đất cho nàng.

Trong căn nhà vắng lặng, hai người quấn quýt chẳng khác gì đôi vợ chồng dân dã vô cùng yêu thương nhau.
Cũng có lúc không thể ngăn lòng được, ngài kéo nàng vào toan tính chuyện ân ái thì nàng nhỏ đôi dòng lệ, khẩn khoản cầu xin.

Nàng nói:
- Hoàng thượng có đến ba ngàn hương phấn, há tất cứ phải phá hoại trinh tiết của tiện thiếp?
Gia Khánh đế thấy nàng có vẻ đáng thương, lòng cũng mềm lại.

Mấy lần nhờ đó mà Đổng thị thoát được.

Song hoàng đế vẫn vương vấn nhớ nhung, không thể nào rời xa nàng được.
Cho nên ngày nào cũng phải ghé qua nói cười một lúc, miễn là được thấy dung nhan nàng là toại nguyện rồi.

Ngài thường nói với bọn thái giám:
- Ngày xưa Ngô Giáng Tiên đẹp đến nỗi người ta ăn gì cũng thấy ngon.

Nay Đổng thị đẹp đến nỗi khiến người ta quên cả ăn cả ngủ.
Câu nói này truyền vào cung cấm, nhiều phi tần có vẻ đố kỵ với Đổng thị.

Hơn nữa, họ lại thấy hoàng đế suốt ngày ở Quỳnh đảo với nàng, không tới thăm bà nào, cô nào nữa, cho nên họ lại càng ghen tức thêm.

Họ đồn rằng Đổng thị chỉ là một con hồ ly tinh mê hoặc hoàng đế.

Thế rồi họ đến mách với hoàng hậu.

Bà hậu này nổi danh hiền đức sáng suốt, nghe lời nói của bọn phi tần, cho rằng bọn này ghen tuông, đem lời khuyên can họ.

Họ không ngờ rằng giữa hoàng đế và Đổng thị chưa hề có chuyện gì dâm ô xấu xa cả.

Sở dĩ có được điều tốt đẹp này là nhờ ở cái đẹp như thiên tiên, cái đức tinh khiết của nàng khiến Hoàng đế phải kính phục mà trấn áp được lòng dục.

Tới lúc thân mật nhất, bất quá cũng chỉ có một cái nắm tay là cùng.
Điều khổ tâm nhất là tình cảnh cô đơn thê thảm của Vương Sâm, trong khi chàng bị bỏ quên nơi viện xảo nghệ, ngày đêm nhớ tới người vợ vừa, đẹp vừa hiền đức.

Chàng cầu khẩn viên tổng quản thái giám cho tới gặp mặt vợ chàng nhưng y chỉ đáp rằng người mà hoàng thượng đã giữ lại thì làm sao y dám tới gọi được.

Thế là từ đó Vương Sâm như điên như dại, suốt ngày lúc khóc lúc cười khiến mọi người trong viện cho rằng chàng đã mất trí, chẳng thèm để ý tới chàng nữa.
Bỗng một hôm hoàng thượng từ trong cung đi ra: Sâm nhìn thấy vội bò mọp trên mặt đất, dập đầu liên hồi xin ngài cho phép vợ chồng ra ngoài gặp mặt một lần.

Hoàng đế cười nói:
- Vợ người thủ công hết sức tinh xảo nên hoàng hậu lưu lại trong cung, không chịu cho ra nữa.

Nếu người sợ buồn bã tẻ lạnh, trẫm sẽ thưởng cho người một cô cung nữ nhé!
Nói đoạn, ngài đi luôn.

Đêm hôm đó, quả nhiên trong cung đình đưa ra một cô cung nữ thật.

Viên thái giám quét dọn cho Sâm một căn phòng thật sạch sẽ, rồi đưa cả hai vào bên trong.

Không ngờ luôn ba đêm, hai người chẳng ai gần ai.

Sâm lại càng nổi cơn điên dại.

Thấy ai Sâm cũng kêu, cũng cầu xin được gặp mặt vợ mình.

Hoàng đế biết hết mọi hành động, thái độ của Sâm.

Ngài thăng chàng lên quan hàm ngũ phẩm, lại thưởng cho chàng hai vạn lạng bạc, rồi sai hai tên thị vệ đưa về Giang Nam, thưởng thêm cả cô cung nữ nọ nữa.
Cô cung nữ này vốn người Giang Nam, nên rất sung sướng được trở về quê nhà, cũng nguyện ý lấy Sâm.

Sâm bảo nàng:
- Tôi cùng với vợ tôi, hai người tình nghĩa sâu như biển cả, chẳng may nàng bị giữ lại nơi cung cấm, tôi không thể nhẫn tâm phụ nàng được.
Nói đoạn, chàng cho cô cung nữ ba ngàn lạng bạc, đưa về nhà cha mẹ để đi lấy chồng.

Chàng lại mang theo một vạn lạng bạc, lẻn lên Nhiệt Hà, bỏ tiền ra đút lót bọn thái giám, dò la tin vợ mình.

Bọn thái giám thấy Sâm yêu quý vợ con đến đáng thương, bèn vào cung thăm dò tin tức cho chàng.
Cách vài hôm, Đổng thị gửi ra cho chàng một phong thơ nói:
"Thiên tử là người rất đa tình nhưng thiếp ở trong cung đã mười tháng vẫn không hề bị thất tiết.

Thiếp đã cầu xin ngài thì hiện ngài đã hứa mãn một năm sẽ cho thiếp trở về nhà, vợ chồng đoàn tụ như xưa!"
Vương Sâm nhận được tin này, mừng rỡ khôn xiết.

Từ đó chàng ở bên ngoài yên tâm chờ đợi.

Những lúc rỗi rảnh, chàng cùng bọn thái giám vào cao lâu tửu điếm uống rượu mạn đàm.
Bọn thái giám thấy Sâm đã hết khùng, tính tình trở lại bình thường, nên hay đem những chuyện bí mật trong cung cấm nói cho chàng nghe: nào là hôm nay hoàng đế triệu bà phi thứ mấy, ngày mai, ngài đưa một bà phi thứ mấy khác đi du ngoạn… không một ngày nào là không có kẻ tới nói chàng nghe những chuyện như vậy.
Có một hôm, một thái giám tới bảo chàng:
- Đêm nay, Oanh Tần phát ghen quá xá, chỉ tại hoàng thượng sủng ái Đổng thị.

Ngài thường tới Quỳnh đảo thăm nàng khiến Oanh Tần chịu không nổi cơn ghen, chạy vội tới nắm Đồng thị đánh đấm túi bụi, mãi khi Hoàng đế quát bảo mới ngừng tay.

Oanh Tần còn nắm vạt áo hoàng đế kéo về phòng mình nữa, nhất định không chịu thua Đổng thị.
Vương Sâm nghe xong liền nói:
- Đường đường một vị thiên tử mà phải sợ một phi tần ư?
Tên thái giám thì thầm nói với Sâm:
- Không phải thế đâu.

Vạn tuế gia đa tình quá trời mà.

Nghe nói ngài quen biết Oanh Tần từ khi còn chưa làm lễ đại hôn kia.

Nhớ đến tình cũ nghĩa xưa, ngài chẳng khỏi sủng ái bà ta hơn chút ít đó thôi.
Sâm nghe đoạn, rơi lệ nói:
- Có con cọp cái ấy trong cung thì chỉ khổ cho vợ tôi mà thôi.
Tên thái giám an ủi đôi ba lần rồi bảo Sâm:
- Vợ anh sắp được ra rồi, buồn khổ mà làm gì!
Sắp tới cái ngày đủ năm đó, Vương Sâm ở bên ngoài, lòng như kiến bò trên chảo rang.

Chàng chờ đợi từng giờ từng phút.
Rồi một hôm, Sâm ước định với viên Tổng quản thái giám đợi ở toà lầu trên bờ hồ.

Phía sau hồ lầu, có một cái hồ lớn.
Trên lầu bán rượu và đồ nhậu.

Vương Sâm đến nơi hẹn còn sớm, gọi rượu ra, khề khà trước để đợi.

Một lát sau, Sâm thấy một tên thái giám hoảng hốt chạy tới, mặt mất cả thần sắc, Sâm thấy thế, lòng bỗng như lửa đốt, biết có chuyện gì nguy kịch, vội hỏi:
- Vợ tôi làm sao rồi vậy?
Tên thái giám chẳng nói gì rõ, chỉ an ủi Sâm:
- Tôi khuyên anh đừng nên buồn khổ làm gì!.