Bức thư dị thường ấy bất ngờ đến vào một ngày đầu tháng Ba. Đó cũng là ngày trận cảm cúm đang hục hặc thực sự bắt đầu, cây nhiệt kế đo được vào buổi sáng sớm đánh dấu 38.5 độ. Sau khi thực hiện lấy lệ nghĩa vụ gọi điện đến chỗ làm là thư viện thành phố, tôi nhảy vào chiếc giường vẫn còn ấm để tận hưởng giấc ngủ thứ hai, sau bữa sáng muộn, tôi lại đánh giấc thứ ba trên đi văng phòng khách. Và kẻ phá đám giấc ngủ dễ chịu đó là tiếng xe máy cà tàng của người đưa thư.

Người đưa thư có tên Toshimitsu, nói thế nào nhỉ, có vẻ như anh ta bị mất dây thần kinh xấu hổ, hễ nhìn thấy con gái mà không buông lời chòng ghẹo là không chịu được. Cái giọng the thé đặc trưng của anh ta đôi lúc còn khiến thần kinh tôi bị tổn thương nặng nề. Nhất lại vào những lúc đau ốm như hôm nay. Ấy vậy mà tôi ngày hôm đó, với óc phán đoán chậm chạp, đã quên béng điều ấy khi sơ suất mở cửa với tâm thế không hề phòng bị. Không phòng bị ở đây có nghĩa là tóc tai bù xù chưa chải, khẩu trang to tướng che mất nửa mặt hay bên trong áo len mỏng chỉ là mỗi bộ đồ ngủ, đại loại thế. Trông thấy bộ dạng đó của tôi, từ bên kia cánh cổng, Toshimitsu nhìn trừng trừng với ánh mắt nửa bất ngờ nửa mừng rỡ.

“Ơ kìa? Hôm nay em ở nhà cơ đấy!”

Hai chân đang xỏ dở dép của tôi chững lại.

(Thôi chết rồi!)

Tôi lơ mơ nghĩ vậy nhưng đã quá muộn.

“Em nghỉ làm ư?”

“…”

“Hay là bị cảm cúm? Phải đeo khẩu trang kìa.”

“…”

“Dịch cúm năm nay nghe nói dai dẳng lắm đấy.”

Tôi tính lơ đi cho rồi nhưng cứ đà này không biết gã sẽ ba hoa đến chừng nào nữa. Dốc hết dũng khí, tôi chạy ra hòm thư.

“Nè, anh có vé xem phim đấy. Đi xem cùng anh không? Vào thứ Bảy chẳng hạn.”

Toshimitsu hét điều gì đó nhưng tôi chẳng buồn nghe, lấy bưu phẩm từ hòm thư xong tôi lẹ làng quay đầu chạy một mạch vào trong nhà.

“Ồ! Itsuki!”

Tôi sập cửa không ngại ngần. Vận động một vòng ngắn ngủn với tôi lúc này đã là hơi cực. Nhịp tim dồn dập khiến tôi vấp ngã ngay ngưỡng cửa. Tất cả đều do Toshimitsu. Lần này thì tay Toshimitsu ấy bắt đầu ấn chuông cửa liên tục. Cố kiểm chế cơn giận dữ, tôi chạy đến chỗ điện thoại nội bộ.

“Vâng? Lại chuyện gì nữa đây?”

“Itsuki, em làm rơi thư rồi!”

Tiếng hét to bên ngoài và giọng nói trong điện thoại nội bộ vang lên cùng lúc. Cái giọng dõng dạc thái quá y như trẻ con muốn được khen công trạng.

“Ô, xin lỗi. Anh nhét vào hòm thư đi.”

Không có tiếng Toshimitsu đáp lại. Thay vào đó là tiếng mở cổng sắt ì ạch.

(Đừng có tự tiện vào nhà thế chứ!)

Chẳng màng đến tiếng kêu la trong lòng tôi, Toshimitsu cứ thế thâm nhập bất hợp pháp vào địa phận bên trong, đoạn gõ cửa uỳnh uỳnh.

“Itsuki! Thư này… Thư!”

Toshimitsu vừa liên tục gõ cửa vừa gào “thư, thư”.

Trong cơn hoa mắt chóng mặt, tôi một lần nữa xỏ dép chạy ra mở cửa. Cứ ngỡ tay Toshimitsu đó đang đứng ngay trước mặt, song anh ta quay lưng lại tôi và làm động tác cúi chào về phía vườn. Tôi thắc mắc không hiểu anh ta chào ai, thì ra là ông tôi. Ông ló gương mặt nghiêm nghị từ vườn hồng nhìn sang song khi thấy tôi phẩy tay ra điều “Không có gì đâu ạ”, ông bèn biến mất giữa lùm cây.

“Tại anh lớn tiếng quá đấy.”

“Anh xin lỗi… À, em làm rơi cái này.”

Toshimitsu chìa ra một bức thư, cái miệng rộng ngoác ra.

“Thư tình hả?”

Đối với kiểu đùa này, tức là kiểu đùa quy tất thảy mọi việc không liên quan thành chuyện tình yêu hay biểu tượng tình dục, cơ thể tôi, về mặt sinh lý sẽ chuyển sang cơ chế không tiếp nhận. Nói cách khác, cơ thể sẽ tự động phản ứng theo cách thức: tay trái thình lình giật bức thư trong chớp mắt, định thần lại thì tay phải đang khóa trái cửa. Có lẽ ở bên kia cánh cửa, trong một thoáng Toshimitsu còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra và chỉ biết há hốc miệng.

Tôi phân loại bưu phẩm, lọc ra bưu phẩm của mình, để phần còn lại trên mặt tủ búp phê trong bếp rồi lên tầng hai. Chỉ có một bức cho tôi. Chính là bức thư được Toshimitsu lượm lên ban nãy. Trên ô người gửi ghi cái tên tôi không hề thấy quen.

Watanabe Hiroko.

Địa chỉ là thành phố Kobe.

… Watanabe Hiroko ở Kobe.

Kobe ư, có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi dính dáng đến Kobe. Biết thì biết nhưng cũng chỉ là địa danh mình biết. Watanabe ở thành phố Kobe ấy… Watanabe Hiroko.

Tôi nghiêng đầu băn khoăn, nhưng trước mắt cứ cắt phong bì đã. Bên trong là một tờ giấy viết thư. Vừa nhìn xuống tờ giấy đó, nói sao nhỉ, trong tích tắc đầu óc tôi trở nên trắng xóa, nói cách khác là rơi vào trạng thái rất khó diễn tả.

Thân gửi Fujii Itsuki,

Bạn có khỏe không? Tôi vẫn khỏe.

Watanabe Hiroko

Toàn bộ bức thư chỉ có vậy.

“… Cái gì thế này?”

Vượt qua cả sự không rõ nghĩa, có thể coi bức thư đã đạt đến ngưỡng gần như là vô nghĩa. Muốn nghĩ gì đi nữa thì trong đầu tôi lúc này, khoảng không trắng xóa, mơ hồ chỉ càng lúc càng phình to ra. Chắc một phần cũng bởi tôi đang sốt. Cứ thế tôi nằm lăn ra giường.

“Watanabe Hiroko, Watanabe Hiroko, Watanabe Hiroko Watanabe Hiroko Watanabe Hiroko…”

Tôi lặp đi lặp lại cái tên đó không biết bao nhiêu lần y như niệm thần chú, dẫu vậy vẫn chẳng có chút mùi, chút vị hay mẩu ký ức nào gợi về trong đầu. Càng nghĩ càng thấy bức thư đầy bí ẩn. Hơn bất cứ điều gì, sự đơn giản quá là điều không thể với tôi. Ngay cả trong chơi bài, nếu như “Seven Bridge”(1) là một trong những trò tôi chơi giỏi thì với “Baba nuki”(2) không hiểu vì cớ gì tôi luôn bị thua. Nếu bảo rằng bức thư đã đánh trúng điểm yếu trong tôi có lẽ sẽ dễ hiểu hơn chăng.

(1). Mỗi người chơi được chia 7 lá bài, người chơi sẽ lần lượt bốc lên 1 lá từ số bài thừa ra để tạo thành những bộ cùng chất liền số nhau hoặc bộ ba lá cùng số. Người thắng là người hạ được bộ bài và hết bài trên tay sớm nhất.

(2). Một trò chơi bài tương đối dễ dành cho trẻ em. Người chơi lần lượt rút từng lá bài của đối phương, rút hai lá cùng số liền nhau sẽ được vứt xuống. Người thua là người giữ cây Joker (phăng teo) cho đến cuối.

Chiếc xe máy cà tàng bên ngoài cất tiếng thảm thương. Tôi nhòm qua cửa sổ thì thấy thấp thoáng bóng dáng của Toshimitsu lúc này đã bắt đầu đi khỏi.

Giờ mà thức cũng chẳng làm được việc gì ra hồn, nghĩ vậy tôi bèn đặt lá thư lên bàn rồi chui vào giường.

Bồng bềnh trong giấc ngủ chập chờn giữa buổi chiều tà, khi tôi tỉnh giấc thì trong phòng đã tối om om. Mặc kệ, tôi cứ phó mặc cơ thể cho sự êm ái của chiếc giường thêm một lúc nữa. Lúc này mẹ đã về và bắt đầu chuẩn bị bữa tối. Trong lúc nằm nghe tiếng dầu mỡ xèo xèo, nghĩ mông lung rằng cơ thể đang ốm mà phải ăn đồ ăn dầu mỡ thì thật đau khổ, tôi lại bị cuốn vào giấc ngủ.

Trong giấc mơ, tiếng dầu mỡ trong chảo rán biến thành tiếng mưa.

Trong cơn mưa, tôi đang chạy trên sân vận động. Đó là sân vận động của trường cấp II. Tôi đang chạy cũng là tôi của thời cấp II. Người ướt sũng song tôi chỉ im lặng chạy. Ôi, chạy thế này thì cơn cảm cúm sẽ tệ hơn đấy, nghĩ vậy nhưng tôi trong giấc mơ vẫn không dừng lại. Trong lúc ấy, mưa đã chuyển sang thành tuyết, răng va vào nhau lập cập ấy vậy mà tôi vẫn tiếp tục chạy.

Tỉnh dậy, toàn thân tôi đầm đìa mồ hôi. Bên ngoài cửa sổ tuyết đang rơi thật. Tôi nhìn đồng hồ thì đã hơn 10 giờ, bữa tối đã xong từ lâu, thật là vô tình quá đi mà.

“Mẹ đâu biết con ở trên đó.”

Mẹ đáp lại vẻ mặt phụng phịu của tôi.

Ngẫm lại thì mẹ thậm chí còn không biết hôm ấy tôi bị cảm phải nghỉ làm.

Tôi ngồi vào bàn ăn một mình. Món chính là cá tẩm bột rán. Tên đầu sỏ gây ra cơn mưa trong giấc mơ giờ đang nằm nguội ngắt trên đĩa trông chẳng ngon lành gì.

“Không có cháo hay gì hả mẹ?”

“Con tự nấu đi.”

“Vậy thôi, con không cần.”

Đứa con gái ranh ma biết tỏng rằng nói vậy kiểu gì mẹ cũng miễn cưỡng làm cho. Mẹ vừa tỏ vẻ phiền phức vừa đặt nồi lên bếp nướng để nấu cháo.

“Bức thư kỳ quái? Là bức thư bất hạnh ấy hả?”

“Con nghĩ hơi khác một chút,”

Tôi kể chuyện về bức thư trong lúc húp xì xụp bát cháo vừa nấu xong.

“Là Watanabe ở Kobe. Mẹ nghe bao giờ chưa?”

“Watanabe?”

“Watanabe Hiroko.”

“Chắc là người quen đâu đó của con, chỉ là con quên thôi.”

“Làm sao có chuyện đó được. Chắc chắn con không biết cái người tên Watanabe Hiroko ấy.”

“…”

“Lạ thật đấy. Ông cũng thấy lạ đúng không ông?” Tôi cất tiếng gọi ông ở phòng bên cạnh. Ông đang xem ti vi trong phòng khách.

“Ừ, lạ thật.”

Tưởng ông không nghe nhưng hóa ra ông có nghe. Được tham gia vào câu chuyện, ông bèn uể oải đi tới với chiếc điều khiển ti vi trên tay.

Và đó là toàn bộ thành viên trong gia đình Fujii. Cơ cấu gia đình hơi khuyết một chút nhưng tôi thì cho rằng thế này là vừa đủ, không quá ngột ngạt.

“Trong đó viết gì?” Mẹ hỏi.

“Bạn có khỏe không? Tôi vẫn khỏe.”

“Rồi sao nữa?”

“Chỉ có vậy thôi.”

“Gì vậy trời?”

“Mẹ muốn xem không? Con mang xuống nhé?”

Tuy nhiên mẹ tỏ rõ thái độ rằng, mấy thứ đó mẹ không quan tâm. Đoạn nói với tôi bấy giờ đang đứng lên khỏi ghế.

“Ăn xong rồi thì uống thuốc đi.”

Chủ đề bức thư kết thúc ở đây. Tôi ngồi trở lại ghế và với tay lấy lọ thuốc cảm mua ở hiệu thuốc.

“Con không đi viện hả?”

“Chưa đến mức đó mà mẹ.”

“Mấy thuốc đó chỉ có tác dụng lúc mới mắc cảm thôi.”

Tôi giả đò không biết rồi tống viên thuốc vào miệng.

“Thế thì mai đi làm được rồi đúng không?”

“Hừm, đi làm thì hơi…”

“Không đi làm thì phải đi viện thôi.”

“Nếu phải đi viện thì con thà lao động nặng nhọc còn hơn.”

“Con nói sao ấy chứ. Công việc chỉ ngồi vẩn vơ cả ngày thôi mà.”

Cứ thấy mẹ xem thường công việc ở thư viện là tôi lại cảm thấy tức tối. Song điều mẹ nói không trúng mà cũng chẳng trật khiến tôi không nói được gì thêm. Ông, nãy giờ vẫn đứng ngây ra đó với chiếc điều khiển ti vi trên tay, bèn xen vào câu chuyên.

“Itsuki, cho ông xem thư đi.”

Song lúc này tôi đã hết cả hứng.

“Thư ạ? Thư gì ấy nhỉ.”

“…”

Ông làu bàu trong miệng và lại rút về phòng khách.

Ban ngày ngủ đẫy giấc nên đêm ấy tôi hơi trằn trọc. Tôi trở mình liên tục trên giường mà tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cơn buồn ngủ kéo tới. Và có lẽ cái âm mưu đen tối kỳ quặc ấy chính là kết quả của đêm mất ngủ này. Song khi ấy tôi tự thấy nó là một ý tưởng phi thường, vừa nén tiếng cười chực bật lên, tôi vừa ra khỏi giường đến bên bàn.

Thân gửi Watanabe Hiroko,

Tôi cũng khỏe.

Nhưng hơi cảm một chút.

Fujii Itsuki

Tôi chỉ định đùa giỡn một chút thôi.

Tôi không có ác ý. À không, thực ra cũng có một chút đấy.

Sáng hôm sau, còn quá sớm để cơn cảm cúm hồi phục nhưng tôi vẫn chọn đi làm. Bởi lẽ nếu không đi làm rất có thể tôi sẽ bị ép phải đến bệnh viện.

Bức thư ấy tôi nhét vào hòm thư trước nhà ga trên đường đến chỗ làm.

“Hắt xì hơi!”

Cứ mỗi lấn tiếng hắt xì đinh tai vang lên là độc giả trong thư viện lại len lén nhìn tôi. Cả ngày hôm ấy tôi bị tấn công bởi tràng hắt xì và ho dữ dội, tự biết mình đang gây phiền đến xung quanh song tôi cũng chẳng làm được gì khác. May sao, có đồng nghiệp Ayako không nỡ thấy tôi như vậy bèn thưa lên giám đốc thư viện, nhờ vậy mà buổi chiều tôi được phân sắp xếp kho sách.

“Cậu không được ngủ đằng sau đó đâu nhé.”

Ayako nói đoạn vỗ vai tôi.

Kho sách luôn phải được giữ nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để bảo quản chất lượng thư phẩm, song ở cái nơi chất toàn sách cũ đó lại thoáng có mùi ẩm mốc, cảm giác như những bào tử vô hình đang nhảy nhót khắp nơi. Có lẽ do tâm lý, song chỉ mới nghĩ đến đó, tràng hắt vì trong tôi đã tuôn ra không cách nào chế ngự nổi. Điều này có nghĩa là sự quan tâm của Ayako đã biến thành tác nhân gây hại, song nếu xét rằng cách này có thể tránh gây phiền toái cho độc giả thì có lẽ thành ý của cô đã được toại nguyện.

Harumi, người chuyên sắp xếp kho sách, chỉ tay xuống phía dưới cằm tôi, người mãi chưa thể làm việc được vì hắt hơi dữ dội.

“Sao không đeo khẩu trang vào?”

“Hở?”

“Kia kìa.”

Tôi rờ tay lần tìm và thấy chiếc khẩu trang bị tuột từ bao giờ.

“Sách ở đây mùi lắm nên cẩn thận đấy.”

Harumi được mệnh danh là “bà chủ” ở kho sách. Cũng không ngoa khi bị gọi là “bà chủ” – biệt danh chẳng ra dáng con gái gì cả – bởi cô là người lập dị nhất thư viện thành phố. Điều này thì tôi có thể hiểu được, song tôi không phục khi có tin đồn cho rằng người đứng thứ hai là tôi. Tôi lập dị ở điểm nào ấy à, theo quan điểm của Ayako thì tuy không biết cụ thể điểm nào nhưng đâu đó trong tôi rất giống người lập dị.

“Cơ mà cậu còn khướt mới đạt đến đẳng cấp của ‘bà chủ’ nhé.”

Hẳn là thế rồi. Nói ra thì thật không phải với Harumi nhưng tôi không chịu được việc bị đánh đồng với bà chủ.

“Tớ nghĩ thế đấy. Rằng mấy kẻ này cực kỳ vô trách nhiệm.”

“Bà chủ” vẫn không ngơi tay xếp sách lên giá trong suốt cuộc nói chuyện.

“Cậu nói ai cơ?”

“Những người viết sách này này.”

“Hả?

“Những cuốn sách ở đây ấy!”

Bằng ngữ điệu hơi mạnh, “bà chủ” nói và chỉ tay vào những cuốn sách trong kho.

“Chẳng phải thế hay sao? Bọn họ cứ thả sức viết lách mà chẳng hề nghĩ mai sau những người như chúng ta sẽ phải xếp sách cho họ đúng không? Nhìn đống này đi, quá trời là nhiều. Ai mà đọc chúng chứ?”

Nói xong “bà chủ” rút một cuốn sách khỏi giá rồi đánh rơi xuống đầu gối tôi. Cuốn sách có tựa đề Tương lai nào cho rác thải hạt nhân.

“Thật chẳng biết nói gì. Cậu có cho rằng trước khi nói về vấn đề xử lý rác thải hạt nhân thì mấy người đó nên nghĩ đến việc dọn dẹp sách của mình không?”

“Thế à? Hụ, hụ…”

Tôi vừa ho sù sụ vừa trả lại cuốn sách. “Bà chủ” nhận nó và xé “roẹt” một trang bên trong. Tôi không tin vào mắt mình. “Bà chủ” tỉnh bơ vo tròn tờ giấy rồi nhét nó vào trong túi.

“Hụ hụ hụ! Cậu vừa làm gì vậy?”

Tức thì, “bà chủ” bắt đầu cố tình xé sách với vẻ dương dương tự đắc. Bổ sung vào thao tác xếp sách lên giá, cô ta lặp đi lặp lại thao tác xé mỗi quyển một trang, vo tròn rồi nhét vào túi.

“Cái này giải tỏa căng thẳng tốt lắm nhé.”

“Hụ hụ.”

“Cậu làm thử không?”

“Hụ hụ… Ý cậu là sao, hụ hụ, tớ không làm đâu.”

“Hay mà.”

“Bà chủ” nở một nụ cười hơi gian ác.

“Hụ hụ hụ hụ!”

Trong lúc ho tôi lại nhớ đến bức thư ấy. Thật tình mà nói, tôi đã nghĩ về nó suốt kể từ khi nhét nó vào hòm thư. Làm vậy với người không quen biết, rốt cuộc sự đáp trả nào đang đợi tôi phía trước đây? Chính vì không thể tiên liệu nên càng đáng sợ. Tôi nghển cổ lên, xem ra cái kết cho trò đùa của tôi đã trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn cả hành vi quái dị của “bà chủ” đang đứng trước mặt.

(Sao tôi lại làm cái điều ngu ngốc ấy chứ.)

Nhìn hình ảnh “bà chủ” tiếp tục xé sách, kẻ nhát gan tôi đây hoàn toàn chìm trong sự hối hận muộn màng.