Đại Tùy năm Khai Hoàng thứ hai mươi, mùng bốn tháng giêng, tuyết bay lả tả. Từ tối hôm trước trời đã bắt đầu đổ tuyết, mới đầu chỉ là những bông tuyết nhỏ khẽ lọt vào cổ áo người đi đường, đến sáng sớm mùng bốn đã hóa thành một trận đại tuyết, những bông tuyết to như sợi lông ngỗng phiêu đãng bồng bềnh. Không tới nửa ngày, trên đường phố và nóc nhà các cửa hàng đều bị phủ lên một lớp tuyết dày trắng xóa.

Thành Đại Hưng, thủ đô Đại Tùy, được xây dựng trên Long Thủ Nguyên vào năm Khai Hoàng thứ hai do Vũ Văn Khải thiết kế xây dựng, khí thế khoáng đạt. Cách Hoàng thành chừng hai dặm có một ngôi miếu nhỏ, hương khói lạnh tanh, bình thường rất ít người đến viếng, vào ngày đại tuyết những vết chân lơ thơ in trên mặt tuyết càng hiển lộ sự quạnh quẽ. Ở một gian phòng trong Lý viện, một lão ni cô đã gần đất xa trời đang ôm trong lòng một đứa nhỏ quấn trong chăn ấm, thủ thỉ thù thì.

Nhìn bề ngoài lão ni cô khó đoán được niên kỉ, lông mi trắng xóa, gương mặt hiền lành, nếp nhăn nơi khóe mắt trông như vòng tuổi của cây đại thụ, xem ra đã trải qua rất nhiều năm tháng của một đời người.

Một lão ni cô đơn độc ôm trong ngực một đứa trẻ bọc chăn, hình ảnh này có vẻ hết sức quỷ quái. Đứa trẻ chỉ tầm dăm ba tháng tuổi, khuôn mặt búp bê bầu bĩnh mi thanh mục tú chọc người yêu thương.

- Nhóc con à, con đáng yêu ngoan ngoãn thế này, không biết là con nhà ai? Sao lại có cha mẹ nào nhẫn tâm nỡ bỏ con trước ngôi miếu nhỏ của bà dưới trời tuyết nặng hạt này? Ha hả... đôi phu thê đã bỏ rơi con quả là ngu ngốc, con có tướng mạo tốt như vậy, dẫu từ nhỏ đã phải chịu cảnh lưu lạc cơ cực, nhưng đến năm mười lăm sẽ được vây trong phú quý bạt ngàn, muốn ngăn cũng ngăn không được.

Lão ni cô híp mắt lẩm bẩm, tay bưng một chén nước cháo từng chút từng chút đút cho đứa nhỏ uống.

- Bà đang nghĩ xem, cả đời này đã gặp qua mấy người có tướng mạo như con? Ta tính ta tính... Ôi chao... Tính đi tính lại chỉ có một người họ Dương so ra hơn con mà thôi, có điều phúc khí của gã mỏng manh, chỉ được hưởng hai đời phú quý. Nhóc ranh con lại không giống, xem ra ít nhất cũng được hai trăm sáu mươi năm vinh hoa và tôn sùng.


Ho khan vài tiếng, vẻ mặt của lão ni cô trở nên ảm đạm:
- Đáng tiếc, mạng bà tới đây là kết thúc rồi, thiên ý trêu người, mãi đến hôm nay con mới đến tay bà. Bà chết đi, ai sẽ nuôi dưỡng con đây?

- Nếu để con chết cùng bà thì bà đây tội nghiệp quá lớn, kiếp sau luân hồi, chỉ sợ có bị đánh vào đạo súc sinh cũng khó chuộc được lỗi lầm. Thôi thôi, tuy rằng giao con cho hắn hung hiểm vạn phần, nhưng vẫn tốt hơn cái chết. Có điều người nọ tính tình ngang ngược lỗ mãng, bắt hắn gà trống nuôi con cũng thật làm khó hắn, ha hả...

Lão ni cô bón nốt ngụm nước cháo cuối cùng vào miệng đứa nhỏ trong lòng, đứa nhỏ ăn no ngoan ngoãn nằm yên, đôi mắt sáng ngời như biết nói nhấp nháy nhìn lão ni cô, bỗng nhiên bật cười khanh khách, bộ dáng đáng yêu làm cho người ta không kìm nổi muốn hôn nhẹ lên khuôn mặt béo núc ních kia.

Lão ni cô thật sự quá già rồi, bà cố sức ôm lấy đứa trẻ, từng bước một gắng gượng đi ra bên ngoài. Còn chưa đến cửa, thân mình đã lảo đảo suýt ngã sấp, vội thuận thế nhào tới trước vài bước tựa lên cạnh cửa thở dốc. Bà cúi đầu nhìn đứa nhỏ trong ngực, ánh mắt dịu dàng tràn ngập yêu thương.

- Đại nạn giáng xuống, không ai ngăn nổi. Nhưng chẳng sao cả, bà sẽ liều mạng đưa con đến nơi đến chốn. Bên người gã họ Dương kia có một tên đạo sĩ thối rất lợi hại, khẳng định đã sớm toán được thọ kỳ của bà sắp tận, hôm nay không tiễn con đi, lỡ rơi vào tay gã họ Dương, chỉ sợ đón chờ con chính là cái chết. Gã họ Dương kia phú quý tột cùng, nhưng lòng dạ hẹp hòi, lại thêm tên đạo sĩ thối kia bên cạnh gã quả quyết sẽ không tha cho con đường sống.

Trong lúc lão ni thủ thỉ với đứa bé, thì có một đội nhân mã vây quanh một chiếc xe ngựa ra khỏi hoàng cung, vội vã tiến về hướng ngôi miếu nhỏ. Mấy trăm kỵ binh mặc giáp hộ vệ ở trước sau xe ngựa, kỵ sĩ cầm trong tay giáo dài lạnh lẽo phối với ngựa thuần một sắc đỏ thẫm, tản mát phong thái uy nghiêm trang trọng không nói nên lời.

Bên cạnh xe ngựa có một đạo sĩ chừng bốn mươi tuổi cưỡi một con ngựa cao lớn đồng hành. Vào ngày khí trời rét lạnh, đạo sĩ kia chỉ mặc một bộ áo mỏng manh, vậy mà không hề bị ảnh hưởng bởi gió tuyết giá lạnh. Ông ta vốn có tướng mạo tuấn lãng, ba sợi râu dài phất phơ, tay ôm một cây phất trần, ngồi trên con ngựa cao to càng thêm vẻ phóng khoáng phiêu dật. Nếu nhìn kỹ, nhất định sẽ phát hiện những bông tuyết như sợi lông ngỗng nhẹ bay không thể tiếp cận thân thể ông ta, bay đến trước người ông ta chừng một thước sẽ tự động tản ra.


Giữa những kỵ sĩ áo giáp phủ tuyết, hình ảnh của người đạo sĩ này trở nên nổi bật.

Đạo sĩ tên là Trương Thiên Nhất, chính là Thiên sư thế hệ này của Thiên Sư Phủ trên núi Long Hổ. Đạo pháp cao thâm, xuất quỷ nhập thần. Sau lại được Tùy Văn Đế bệ hạ chiêu nạp vào Hoàng cung, tôn làm Hộ quốc Pháp sư.

Có thể khiến cho Hộ quốc Pháp sư đi theo bên người, ở triều Đại Tùy lúc bấy giờ chỉ có một người, chính là đương kim thiên tử, Khai Hoàng đại đế, Dương Kiên.

- Thiên sư, tính toán của ông có chắc chắn không?

Từ trong kiệu trầm thấp truyền ra một câu hỏi, tiếng nói có hơi khàn lại hết sức uy hùng. Từ giọng nói có thể đoán được đây là một người vô cùng uy nghiêm.

Trương thiên sư ở trên ngựa hơi nghiêng người nói:
- Bẩm Bệ hạ, ban đầu Chân pháp sư thi triển đại pháp giấu đi hiện tượng thiên văn, bần đạo quả thật nhìn không ra. Chỉ có điều không biết vì sao vào một nén nhang trước pháp lực đó bỗng nhiên tiêu tán, bần đạo xem thiên tượng có điều khác thường, tính ra không quá một thời thần sẽ là đại hạn của Chân pháp sư, tuyệt đối không sai.


- Nếu thế thì cần phải đi nhanh lên, tốt nhất có thể gặp mặt pháp sư lần cuối. Pháp sư có đại ân với Trẫm, ngày đó nếu không có pháp sư, chỉ sợ Trẫm vừa xuất thế đã bị người sát hại. Sau này pháp sư mang ta rời nhà đi hơn mười năm, dạy ta biết chữ đọc sách, học hiểu binh pháp chiến trận, nếu không có người, sẽ không có Trẫm đứng đầu thiên hạ ngày hôm nay. Trẫm luôn muốn báo đáp cho pháp sư một cuộc sống đại phú đại quý, nề hà pháp sư chỉ muốn thanh đăng cổ Phật, Trẫm chỉ đành bỏ cuộc. Nếu không thể đưa pháp sư đoạn đường cuối cùng, lòng trẫm khó có thể an.

Trương thiên sư nói:
- Bệ hạ yên tâm, còn một chút thời gian, sẽ không quá muộn.

Khai Hoàng đế Dương Kiên ừ một tiếng, sau đó không nói nữa.

Trương thiên sư hơi trầm tư, thò tay ra khỏi ống tay áo, bấm pháp ấn tính toán một chút, tin chắc mình không tính sai mới an tâm. Chỉ là không biết vì sao, trong lòng ông ta có một sự hoảng hốt mơ hồ, cảm giác có một cái gì đó vượt ra ngoài quy tắc thiên địa đang kiên cường cắm rễ sinh trưởng, khí thế của người nọ hoặc vật vô cùng dũng mãnh, không ngờ ở khoảng cách xa như vậy vẫn có thể khiến ông ta tâm thần không yên.

Chẳng lẽ Chân pháp sư trước khi chết còn đạt được bảo vật gì?

Trương thiên sư âm thầm phỏng đoán.

Đang nghĩ ngợi, bỗng nhiên có một bóng đen to lớn như đại bàng từ trên nóc nhà đằng xa vồ xuống. Tốc độ của người nọ cực nhanh, nhóm kỵ binh mặc giáp theo hộ giá phía trước mới giơ lên giáo dài sắc bén, người kia đã xoay một vòng giữa không trung, giẫm lên đầu một gã kỵ binh rồi đáp xuống trước cỗ kiệu.


- Ha ha, Lỗ Mũi Trâu, ngươi lại muốn đi đâu hại người đấy?

Chờ người nọ đáp xuống rồi, mọi người mới thấy rõ diện mạo, không ngờ là một tráng hán thân cao chín thước! Vai rộng hông hẹp, lưng hổ eo sói, mặc trên người một bộ trường bào dày cộm với cổ áo làm bằng lông chồn trắng, đứng trước mặt mọi người sang sảng cười. Bọn thị vệ lập tức khua binh khí vọt tới bao vây, những cây giáo dài lạnh lẽo san sát như rừng nhắm thẳng đại hán.

Thân hình người này cực kỳ khôi ngô, đứng trong đám đông như hạc giữa bầy gà. Binh lính ở đây đều là lão binh thân kinh bách chiến được tuyển chọn kỹ lưỡng, có thân thủ rất cao, nhưng khi so với người này lại không khác gì một đứa nhỏ còn chưa trưởng thành, kỵ binh dù nhiều nhưng vẫn không bằng khí thế của một mình gã. Có binh sĩ bị gã giẫm lên đầu thầm buồn bực, một đại hán to lớn cỡ này giẫm lên đầu mình, thế mà chỉ như một cái vỗ nhẹ.

Trương thiên sư nhìn đại hán râu quai nón thở dài:
- Trương Trọng Kiên, ngươi đến đây nhiều chuyện làm gì?

...

Đại Tùy, tháng sáu năm Nhân Thọ thứ tư, Hoàng đế khai quốc của Đại Tùy Dương Kiên đang hấp hối lôi kéo tay người con thứ Dương Quảng, từng chữ từng câu nhấn mạnh nói:
- Đứa bé kia họ Lý! Nhớ kỹ, nhớ kỹ! Thà rằng giết lầm, tuyệt đối không thể buông tha!

Dương Quảng khẳng định gật đầu:
- Phụ hoàng yên tâm, nhi thần nhớ rõ, đứa bé kia họ Lý, thà rằng giết lầm, tuyệt không buông tha!